Loại bỏ thực phẩm bẩn: Nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải chung tay

ANTĐ - Là một trong những mắt xích quan trọng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm đang hướng đến mô hình xây dựng chuỗi giá trị sạch. Theo đó, tất cả các nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm đều được kiểm soát, từ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cuối cùng là chế biến.

Loại bỏ thực phẩm bẩn: Nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải chung tay ảnh 1 Khâu chế biến phải thực hiện đúng quy trình

Trong năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, từ nội tạng, thịt đông lạnh... nhập khẩu bốc mùi, cho đến các sản phẩm đóng hộp bị cơ quan chức năng buộc thu hồi... Đó là chưa kể đến những mối lo lắng khác như dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, thuốc bảo quản, kích chín... trong hoa quả.

Quả thực các bà nội trợ đang phải quay cuồng trong “ma trận” để làm sao có bữa cơm ngon và đảm bảo cho gia đình mỗi ngày. Mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng được điều chỉnh tăng lên đáng kể.

Cụ thể, đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn không ít trường hợp vi phạm xảy ra, bất chấp pháp luật, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, việc nhà sản xuất, nhà quản lý và người tiêu dùng cùng chung tay ngăn ngừa thực phẩm bẩn được xem là giải pháp khả thi nhất.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết hiện cơ quan này đang thực hiện đề án triển khai 21 tỉnh và 28 chuỗi theo chuỗi tiêu chí.

Tiêu chí thứ nhất liên kết giữa những người sản xuất trồng trọt chăn nuôi với những nhà sơ chế, chế biến, kênh phân phối.

Tiêu chí thứ 2 là từng công đoạn một phải có thực hành sản xuất tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm và phải được chứng nhận có thể của nhà nước, hoặc của bên thứ 3 thực hành nông nghiệp tốt.

Tiêu chí thứ ba, hàng hóa ra phải có dấu hiện nhận diện. Tiêu chí thứ ba có công tác quảng bá, xây dưng thương hiệu quảng bá cho hình ảnh đấy.

Những tiêu chí trên cùng đồng hành đang được xem là một chuỗi hoàn chỉnh và sẽ được tổng kết lại để đề xuất với Chính phủ có một nghị định đặc thù về cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển nhân rộng các chuỗi an toàn này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cũng hợp tác chặt chẽ với giới truyền thông nhằm trao đổi thông tin minh bạch, cung cấp thông tin chính xác nhất cho người dân, cả những thông tin thực phẩm không an toàn và những thông tin về thực phẩm đảm bảo chất lượng để người dân có đầy đủ thông tin để lựa chọn thực phẩm cho gia đình.

Người tiêu dùng đang hy vọng những nỗ lực trên kết hợp các biện pháp thanh, kiểm tra, chế tài xử phạt... sẽ giảm thiểu thực phẩm bẩn trên bàn ăn của từng gia đình.

Trong một buổi tọa đàm xoay quanh thực phẩm bẩn - thực phẩm sạch gần đây ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Liên doanh thực phẩm Mavin cảnh báo:

“Việt Nam đang phát triển du lịch, nếu du khách đến Việt Nam bị ngộ độc, phải nằm viện trong chuyến đi của họ thì hình ảnh Việt Nam bị xấu đi. Việc này không khuyến khích kinh tế Việt Nam và đặc biệt là ngành du lịch. Vì vậy Việt Nam nên hướng dẫn cụ thể cho người dân về an toàn thực phẩm sâu rộng hơn nữa, cũng như có những chế tài xử phát mạnh đối với những người vi phạm”.

Bên cạnh đó ông David còn đưa ra kinh nghiệm phát triển thị trường thực phẩm sạch của các nước phát triển mà công ty Liên doanh thực phẩm của ông đang triển khai.

Đó là xây dựng chuỗi giá trị sạch từ nguồn “từ nông trại đến bàn ăn”, đảm bảo tất cả các nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm đều được kiểm soát, từ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cuối cùng là chế biến thực phẩm sạch Mavin.

“Sau khi đạt được mục tiêu đưa sản phẩm vào các khách sạn 5 sao thì nhiều nhà sản xuất như Mavin đang nỗ lực để đưa thực phẩm sạch đến rộng rãi người tiêu dùng”, ông David chia sẻ.

Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, những kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm sạch, thực phẩm đảm bảo chất lượng cũng thường xuyên được chia sẻ qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Khi đã lựa chọn được sản phẩm phải thực hiện các cách sơ chế, chế biến sao cho phù hợp, đúng cách và đảm bảo vệ sinh cũng được nhiều người quan tâm.

Tin cùng chuyên mục