Lộ rõ tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận với sự tham gia của biên đội tác chiến tàu sân bay cho thấy tham vọng của nước này đối với thứ vũ khí có uy lực bậc nhất trên biển, sâu xa hơn là tham vọng đối với các đại dương mà trước hết là các vùng biển như Biển Đông.
Máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận trên biển

Máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận trên biển

Liên tiếp “diễu võ dương oai”

Các hãng thông tấn lớn của thế giới đồng loạt đưa tin về việc nhóm tàu chiến của Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh (Type 001) dẫn đầu cùng 5 tàu chiến các loại khác đang tiến hành tập trận gần ở vùng biển gần Đài Loan (Trung Quốc). Cuộc tập trận bắt đầu hôm 6-4 là cuộc tập trận mới nhất của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sau hàng loạt cuộc diễn tập, tập trận trên biển thời gian qua. Đáng chú ý, có thông tin rằng, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang tập trận còn có thể tiếp tục vượt qua eo biển Miyako và di chuyển xuống phía Nam để vào Biển Đông.

Cách đây đúng 1 năm, vào tháng 4-2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận. Khi đó, tàu sân bay của Trung Quốc được hộ tống bởi đội ngũ tàu chiến hùng hậu gồm 2 tàu khu trục Tây Ninh (số hiệu 117, Type 052D) và Quý Dương (số hiệu 119, Type 052D) thuộc lớp Lữ Dương 3. Đây là các tàu khu trục có hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự kiểu Aegis của Mỹ. Bên cạnh đó còn có tàu hộ tống Tảo Trang (số hiệu 542, Type 054) và Nhật Chiếu (số hiệu 598, Type 054), tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng lớp Giang Khải 2, tàu hậu cần Hồ Hô Luân (số hiệu 965, Type-901, lượng giãn nước tới 55.000 tấn). Trung Quốc khi đó cho biết, cuộc tập trận là để tăng cường hoàn thiện năng lực tác chiến nhóm tàu sân bay của nước này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay có sức mạnh vượt trội so với lực lượng hải quân của các nước quanh Biển Đông được xem như một sự “diễu võ dương oai” ở vùng biển đang căng thẳng vì những yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của chính Trung Quốc.

Ít lâu sau, tháng 9-2020, tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc là Sơn Đông rời cảng để ra biển tập trận dài ngày. Những vùng biển tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông (Type 002) khi đó không được công khai, nhưng bao gồm cả ở Biển Đông. Tháng 12-2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông lại tiếp tục vượt qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông tập trận. Đây là cuộc ra khơi lần thứ 3 của tàu sân bay này chỉ trong năm 2020, và 2 cuộc tập trận đều diễn ra ở Biển Đông. Như vậy, từ giữa năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã liên tục điều động nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động với mật độ chưa từng có, tập trung ở Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích. Hồi tháng 4-2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã thực hiện một hải trình y hệt để tiến vào Biển Đông. Và ngay sau khi nhóm tàu sân bay này có mặt, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận đảo Tây Sa đặt tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và cái gọi là quận đảo Nam Sa đặt tại đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Hiện nay, tình hình Biển Đông đang căng thẳng khi Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu thuộc lực lượng dân quân biển tập trung bất thường ở bãi đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn Đông ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Lấy hạm đội tàu sân bay để áp đặt chủ quyền phi pháp

Từ cuộc tập trận hiện nay của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh, giới chuyên gia cho rằng, sắp tới Trung Quốc sẽ còn nhiều đợt triển khai diễn tập hoặc tập trận như vậy. Lý do là bởi nước này muốn hoàn thiện và nâng cao năng lực tác chiến của các nhóm tàu chiến mà họ cho là lực lượng răn đe chủ yếu trên biển. Trước mắt, vào tháng 6 tới, Trung Quốc rất có thể tiếp tục triển khai hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông với vùng biển trọng điểm là Biển Đông.

Điều đáng chú ý là cả 2 tàu sân bay hiện có trong biên chế của hải quân Trung Quốc đều có căn cứ chính tại Tam Á nằm trên đảo Hải Nam giáp Biển Đông. Điều này cho thấy Biển Đông đang nóng bởi hoạt động quân sự hóa ngày một leo thang của Trung Quốc hòng áp đặt chủ quyền phi lý và phi pháp. Nhóm tác chiến tàu sân bay được Trung Quốc dùng như một công cụ quan trọng nhất để thể hiện sức mạnh răn đe. Tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông cũng như việc gia tăng sức mạnh, ảnh hưởng trên các đại dương của thế giới khiến Trung Quốc không tiếc tiền để phát triển lực lượng tàu sân bay. Nếu như tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được nâng cấp và hiện đại hóa từ tàu Varyag trong biên chế của Hải quân Liên Xô trước đây, thì tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc hoàn toàn tự phát triển có sức mạnh hơn hẳn. Nó có tải trọng, kích thước lớn hơn và mang số máy bay chiến đấu nhiều gấp rưỡi (với 24 chiếc của tàu Liêu Ninh lên 36 chiếc trên tàu Sơn Đông) cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại hơn.

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc hiện đang gấp rút đóng tàu sân bay thứ ba (Type 003) tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này có thể được hạ thủy trong năm nay để tiến hành các hoạt động thử nghiệm và dự kiến cũng sẽ được triển khai tới căn cứ Tam Á. Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng ít nhất 4 tàu sân bay trước năm 2030 để trở thành lực lượng hải quân có sức mạnh thứ hai thế giới sau Mỹ. Việc ráo riết phát triển hạm đội tàu sân bay cho thấy tham vọng lớn của Trung Quốc trên biển, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”. Đuối lý và phi pháp trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã không hề che dấu toan tính dùng sức mạnh quân sự để ngang ngược áp đặt chủ quyền trên vùng biển này. Trong đó hạm đội tàu sân bay chính là “con át chủ bài”. Hơn thế, từ “bàn đạp” Biển Đông và sức mạnh ngày càng trỗi dậy, hải quân Trung Quốc dựa trên lực lượng nòng cốt là hạm đội tàu sân bay sẽ còn vươn tới những đại dương khác trên toàn cầu. Những cuộc tập trận liên tiếp để “mài vóng vuốt” là bước ngoặt để biến hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc từ một lực lượng mới phát triển thành lực lượng có năng lực tác chiến thực sự, làm công cụ cho những tham vọng, toan tính chiến lược.