Lo ngại tăng trưởng tín dụng "nóng"

ANTD.VN - Tính đến thời điểm này, tín dụng đã tăng xấp xỉ 9% khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ tăng trưởng tín dụng “nóng” khi những tháng cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh thường rất lớn.

Tăng trưởng tín dụng 9%: Tích cực và lo ngại

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế Việt Nam đã bày tỏ nhiều lo ngại về mức tăng trưởng tín dụng quá nhanh có thể gây ra những rủi ro mới cho hệ thống ngân hàng. 

IMF dẫn chứng, tín dụng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong 2 năm qua, khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm 23,5%. Do đó, nếu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 của Việt Nam đạt mục tiêu thì tỷ lệ trên sẽ còn nới rộng hơn nữa và mức độ rủi ro ổn định tài chính sẽ cao hơn.

Đặc biệt, IMF cũng bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp Nhà nước đang hấp thụ lượng lớn tín dụng. Điều này khiến tăng trưởng kinh tế chậm và tăng rủi ro hình thành nợ xấu trong tương lai, nếu tín dụng không được phân bổ dựa trên mục đích thương mại đơn thuần, tổ chức này cũng khuyến nghị Việt Nam nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%/năm, đồng thời cho rằng tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 80% là hợp lý.  

Bình luận về những lo ngại này, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có thể các tổ chức quốc tế khuyến nghị chúng ta về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% một mức khá cao. Thứ hai là có thể trong tương quan so sánh, đối chiếu số liệu cho thấy tín dụng tăng khá đều và khá nhanh từ năm 2012 trở lại đây, như vậy có thể họ lo ngại vấn đề tích tụ về lâu dài.

“Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT, BT... để phòng ngừa, ngăn chặn dòng vốn từ lĩnh vực ưu tiên chảy sang các lĩnh vực khác”.

Ông Trần Văn Tần (Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước)

“Đặc biệt, có thể các chuyên gia quốc tế băn khoăn về năng lực của các ngân hàng trong nước. Trong khi tín dụng tăng khoảng 18-20% mà vốn chủ sở hữu tăng không tương ứng thì rõ ràng hệ số CAR (được tính bằng vốn chủ sở hữu/tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng) của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ khó đáp ứng chuẩn quốc tế”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng con số tăng trưởng tín dụng 9% trong những tháng đầu năm là con số cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, điều này thể hiện cả mặt tích cực lẫn lo ngại. “Mặt tích cực, là tín dụng đã tăng trưởng đều ngay từ những tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, con số này cũng đặt ra lo ngại về việc tăng trưởng tín dụng cuối năm có vượt con số 18% đã đề ra, vì thông thường những tháng cuối năm nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn”.

Nhiều ngân hàng đã hết “room”

Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc tăng trưởng tín dụng nhanh trong những tháng đầu năm cũng đang tạo một áp lực lớn lên các ngân hàng. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng 7,54% trong khi huy động vốn chỉ tăng 5,89%. Huy động vốn thấp hơn so với cho vay gần 2% đang tạo áp lực lên thanh khoản và lãi suất. Bằng chứng là thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động trung và dài hạn cũng như phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng từ nay tới cuối năm, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì các nhà băng hạng trung và nhỏ sẽ gặp khó khăn với thanh khoản. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo quan sát của một số chuyên gia, hiện lãi suất huy động trên thị trường 1 của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn duy trì ổn định ở mức thấp so với mặt bằng chung có thể sẽ giảm áp lực huy động vốn ở các ngân hàng thương mại nhỏ. Vì nguồn tiền gửi từ khách hàng ở những ngân hàng lớn có thể sẽ chảy sang những ngân hàng nhỏ khi lãi suất ở các ngân hàng này cao hơn một chút. 

Quay trở lại bài toán tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng theo quan sát trên thị trường, đến nay, một số ngân hàng đã dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay, trong khi một số ngân hàng lại chưa đảm bảo tiến độ. “Có ngân hàng không dùng hết, có ngân hàng lại dùng quá, như vậy tạo ra cơ chế thiệt thòi cho một số định chế tài chính. Điều này, theo tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể căn cứ năng lực của các ngân hàng để điều chỉnh linh hoạt hạn mức tín dụng như tăng hạn mức cho một số tổ chức tín dụng với 2 điều kiện là năng lực hấp thụ của tổ chức tín dụng và kiểm soát rủi ro, đồng thời không làm tăng định hướng tăng trưởng tín dụng 18% năm”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, thông lệ quốc tế thường quản lý rủi ro tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR, thay vì quản lý bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng. “Quản lý bằng hệ số CAR thì chúng ta có thể quản lý được cả tử số và mẫu số. Tử số là vốn chủ sở hữu tăng, còn mẫu số là tín dụng. Còn nếu chỉ kiểm soát mẫu số mà không kiểm soát tử số thì rõ ràng an toàn vốn sẽ có vấn đề”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Quản lý chặt, hướng dòng vốn vào sản xuất

Dù con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% được đánh giá là cao so với năng lực, huy động vốn của một số ngân hàng nhưng theo các chuyên gia, “nóng” hay “không nóng” quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả của dòng tín dụng. Nếu tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì sẽ hạn chế rủi ro, trong khi nếu để dòng vốn chảy quá nhiều vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, BOT... thì sẽ đáng báo động.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian qua NHNN vẫn rất thận trọng trong việc kiểm soát tín dụng vì ngành ngân hàng và cả nền kinh tế đã phải trả giá rất đắt cho thời kỳ tín dụng tăng trưởng “nóng” trước đây. “Chúng tôi đã chạy thử mô hình tính toán ở 52 nước, trong đó có Việt Nam thì thấy rằng, tín dụng tăng thêm 10% thì GDP mới tăng thêm 0,5%. Trong khi đó, thêm 10% tín dụng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, NHNN đang điều hành rất thận trọng và tăng trưởng tín dụng 18% có thể là mức tối đa năm nay”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Về phía NHNN, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng khẳng định, NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT, BT... để phòng ngừa, ngăn chặn dòng vốn từ lĩnh vực ưu tiên chảy sang các lĩnh vực khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tập trung chủ yếu hướng tín dụng ưu tiên vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng dành cho bất động sản đã giảm dần. “Dù không có quy định ngưỡng tín dụng cụ thể để cho vay với các lĩnh vực này, nhưng NHNN luôn nhắc nhở các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

“Chúng tôi đã chạy thử mô hình tính toán ở 52 nước, trong đó có Việt Nam thì thấy rằng, tín dụng tăng thêm 10% thì GDP mới tăng thêm 0,5%. Trong khi đó, thêm 10% tín dụng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, NHNN đang điều hành rất thận trọng và tăng trưởng tín dụng 18% có thể là mức tối đa năm nay”.

TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia tài chính - ngân hàng)