Lo ngại tăng giá do tâm lý

ANTĐ - Mặc dù xăng dầu được tăng giá “nhỏ giọt” nhưng chuyên gia kinh tế dự báo, giá cả hàng hóa khác vẫn có thể tăng do yếu tố tâm lý. Lạm phát trong tháng 8 sẽ tăng cao hơn các tháng vừa qua.

Khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn người tiêu dùng

Với hình thức tăng giá “nhỏ giọt” của mặt hàng xăng dầu trong 3 lần liên tiếp gần đây (kể từ tháng 6-2013), nhiều ý kiến cho rằng tác động đến giá cả hàng hóa nói chung không lớn. Tuy nhiên, với việc cộng thêm hơn 1.100 đồng/lít xăng dầu trong thời gian một tháng sẽ tác động đến tâm lý người kinh doanh cũng như người tiêu dùng, từ đó giá cả có chiều hướng thay đổi. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định: “Yếu tố tác động tới mặt bằng giá chính là yếu tố tâm lý. Cần nhớ rằng, giá không tăng đột biến vì cầu thấp nhưng về bản chất, giá cả vẫn thay đổi”. 

“Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 và tháng 8 sẽ cao hơn các tháng vừa qua”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho hay giá điện- yếu tố đầu vào khác của sản xuất cũng được dự báo tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua thấp như hiện nay, thì mặt bằng giá mới sẽ không chêch lệch nhiều so với hiện tại. 

Khảo sát thị trường cho thấy, đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-7 dường như làm cho quyết tâm tăng giá của nhiều người kinh doanh rõ ràng hơn. Chị Mai Thị Thu Hương (tiểu thương chợ Thành Công) chia sẻ: Sức mua yếu nên các mặt hàng đều bị kìm giá quá lâu. Mức tăng 1.100 đồng/lít xăng dầu trong hơn 1 tháng sẽ tác động tới giá cả đầu vào, vì tổng cộng 3 lần tăng giá gần đây, giá xăng dầu đã lên đến mức kỷ lục từ trước đến nay. 

Tại các chợ Kim Liên, Thái Hà... giá của nhiều mặt hàng rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống đã tăng mạnh, có mặt hàng tăng giá gấp rưỡi so với trước thời điểm 17-7. Rau muống tăng thêm 1.000 đồng/mớ, lên mức 5.000 đồng/mớ; rau dền, rau ngót tăng từ 2.500 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ; bí xanh tăng từ 7.000 lên 9.000 đồng/kg... Ngoài nguyên nhân thời vụ thì yếu tố tăng giá do giá xăng tăng cũng “đóng góp” đáng kể.

Ghi nhận thị trường cũng cho thấy, trước khi tăng giá xăng, giá lợn hơi dao động ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông màu giá 55.000 đồng/kg, gà ta thả vườn giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, trứng gà ta giá khoảng 2.100 - 2.300 đồng/quả…

Tuy nhiên, sau khi tăng giá xăng, nhiều trang trại sản xuất, chăn nuôi không giấu giếm ý định điều chỉnh giá. Theo một chủ trang trại gà lơ go (Sơn Tây), giá trứng sẽ tăng 1.000-2.000 đồng/chục trong thời gian tới. 

Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá cả thị trường 6 tháng cuối năm nay sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn so với 6 tháng đầu năm khi giá xăng dầu tăng. Bên cạnh đó, giá điện, dịch vụ y tế, điện, nước... đều có nhiều dấu hiệu nhích lên.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng đợt tăng giá xăng dầu từ 420-470 đồng/lít ngày 17-7 đóng góp vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 so với tháng 7 khoảng 0,15%. Cùng chung đánh giá này, báo cáo nhận định về thị trường của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho hay, việc điều chỉnh giá xăng lần này chưa kịp ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới CPI của tháng 8. “Đợt tăng giá xăng này sẽ cộng trực tiếp 0,25% vào tốc độ tăng CPI của tháng 8 và cộng thêm gián tiếp 0,23% vào tốc độ tăng CPI theo tháng của 2 tháng tiếp theo”- báo cáo phân tích. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay, do sức mua yếu, cùng với xu hướng giảm lãi suất, nhiều chương trình gỡ khó cho doanh nghiệp đang được tích cực triển khai nên mặt bằng giá hàng hóa chung sẽ không tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế vẫn lưu ý thận trọng khi tăng giá các mặt hàng, nhất là những mặt hàng là đầu vào của sản xuất, bởi doanh nghiệp đang khó khăn, tăng giá sẽ càng “bóp nghẹt” doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngăn chặn tăng giá do tâm lý bởi yếu tố này có thể khiến lạm phát tăng mạnh.