Lo ngại sex, triệt sản cho con gái

(ANTĐ) - Nhu cầu tình dục của hàng triệu người khuyết tật đang bị bỏ qua vì những định kiến “khiếm khuyết thì không có hoặc không đáng có đời sống tình dục”.
Định kiến “vô dục” Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS), NKT thường bị coi là vô dục hoặc thiếu khả năng tình dục nên tình dục của họ thường bị gia đình hoặc người chăm sóc bỏ qua. Đối với những người không hoàn hảo về mặt cơ thể, mọi người thường cho rằng, việc nghĩ đến tình dục là một điều xa xỉ, không phù hợp. Phụ nữ khuyết tật càng không nên kết hôn vì không thể làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Tình yêu của NKT cũng thường bị dị nghị. Một người không khuyết tật lấy NKT thì thường bị đàm tiếu rằng đang đào mỏ hoặc có “vấn đề” nên mới chấp nhận như vậy. Nghiên cứu NKT tại bốn tỉnh của Viện đã chứng tỏ nếp nghĩ này rất phổ biến: Tùy theo từng dạng khuyết tật, 19% - 80% người dân cho rằng NKT không nên lập gia đình;  32% - 90% người dân cho rằng phụ nữ khuyết tật không nên có con, vì họ sẽ không thể nuôi dưỡng con  cái, họ sẽ làm tăng gánh nặng cho chính bản thân và cả gia đình và con cái của họ có thể bị khuyết tật “di truyền”. Vì những thái độ này, 47% NKT ở độ tuổi 18 trở lên không kết hôn.

Chị Đinh Thị M. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị khuyết tật vận động, chân cao chân thấp, mặt lại có một cái bớt đen to. Bố chị luôn coi chị như “cục nợ”, còn mẹ nghĩ chị là “nghiệp chướng” của cả nhà. Để kiếm sống, chị tìm một góc phố bán trà đá từ năm 15 tuổi. Thi thoảng cũng có vài chàng trai trêu ghẹo, khiến chị bối rối. Thấy vậy, bố bàn bạc với mẹ, nên cho chị đi “triệt sản” để tránh hậu họa. Từ đó, chị luôn mặc cảm với cơ thể khiếm khuyết của mình, không bao giờ dám tơ tưởng đến chuyện yêu đương. Nhưng trong lòng chị vẫn có một giấc mơ…Thiếu cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản Ông Đào Soát, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, cho biết trong hội của ông có nhiều trường hợp được người bình thường muốn lấy nhưng không “đi đến đâu” vì gia đình ngăn cấm. Còn hai người mù lấy nhau cũng bị gia đình ngăn cản. Họ cho rằng, đã không tự chăm sóc được bản thân, giờ cưới thêm một NKT nữa thì sẽ tăng gánh nặng cho người thân. Gia đình còn cho rằng hai người mù lấy nhau, sinh con cũng không biết đường chăm sóc con, có khi đứa con cũng dễ bị mù, gánh nặng sẽ chồng chất. Nhiều cặp sau khi lấy nhau phải bỏ nhà ra đi. Chính ông Soát cũng nhiều lần phải đứng ra tư vấn cho hội viên cả nam và nữ về sức khỏe tình dục, kỹ năng tình dục vì họ yêu nhau mà chẳng biết “mần ăn” thế nào, trong khi sách chữ nổi về sức khỏe tình dục không có, họ lại không nhìn được, càng chẳng dám hỏi ai… Trong khi nhu cầu tình dục của NKT là chính đáng và thiết yếu thì tất cả các chính sách dành cho NKT vẫn chỉ xoay quanh vấn đề tạo việc làm, sức khỏe hay học nghề... chứ chưa từng hỏi về nhu cầu giải trí, hôn nhân hay yêu đương của họ. Không được hướng dẫn về sức khỏe tình dục nên trong buổi hội thảo về đối phó với kỳ thị do ISDS tổ chức tuần trước tại Hà Nội, khi được hỏi “tình dục là gì”, NKT đưa ra những câu trả lời rất ngây ngô: “Để sinh con”, tình dục là “giao hợp”. “Những quan điểm này khiến NKT không dám mơ tưởng tới tình dục. Trong khi đó, nếu được hướng dẫn kỹ năng, ai cũng có thể tìm thấy khoái cảm cho mình”, bà Hồng nhận định. Không chỉ thiếu hụt thông tin sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục dành cho NKT mà các cơ sở y tế cũng thiếu phương tiện, cơ sở hạ tầng thân thiện với NKT. Ví dụ như không có thang máy, bàn khám sản phụ khoa quá cao là một thách thức đối với NKT vận động, mù… Thái độ của cán bộ y tế cũng chưa thực sự thông cảm với NKT, còn có những câu nói, hành động khiến họ bị tổn thương…
Theo Nông Thôn Ngày Nay