Lo ngại nợ xấu

ANTĐ -Không chỉ Chính phủ, các cơ quan quản lý của Việt Nam lo ngại nợ xấu gia tăng  mà ngay cả các doanh nghiệp, đây cũng là vấn đề nan giải, đáng “sợ” hơn cả tồn kho cao.

Đây là chia sẻ của doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 3-12. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội nghị các nhà tư vấn tài trợ (CG) thường niên.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thừa nhận những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải như lạm phát có thể quay trở lại, quản lý giá, vấn đề hàng tồn kho, tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Mặc dù vậy, “đây là thời điểm thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm. Chính phủ luôn kề vai sát cánh, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu những đề xuất chính đáng của doanh nghiệp"- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2012, đã có khoảng 20 cuộc gặp, tham vấn giữa các cơ quan chức năng với nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự hỗ trợ và giành điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đã và đang là việc làm quan trọng hàng đầu của hệ thống cơ quan quản lý, chính quyền các cấp.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, tồn kho cao không phải là vấn đề đáng lo nhất hiện nay của doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tồn kho cao đang là những doanh nghiệp rất khó khăn, hơn nữa rất nhiều mặt hàng có tồn kho cao nhưng đơn giá bán trên thị trường lại giảm xuống nên doanh nghiệp cùng lúc phải gánh nhiều khó khăn đó là: trị giá tài sản giảm xuống do đơn hàng giá giảm dẫn đến tài sản đảm bảo cầm cố cho các khoản vay không còn đủ trị giá đảm bảo rất dễ dẫn đến tội lừa đảo. Bên cạnh đó, nợ vay tăng lên do hàng tháng vẫn phải trả lãi vay cho tồn kho, và doanh thu không có vì tồn kho không thể bán được do cầu yếu, khó khăn chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên còn một thực tế khác là những doanh nghiệp không có hàng tồn kho hoặc tồn kho thấp cũng vô cùng khó khăn. “Tồn kho thấp nhưng công nợ phải thu thì lớn vì hàng hóa đã bán cho các doanh nghiệp khác và chưa thu hồi đươc nợ. Công nợ lớn và không thu hồi được thậm chí còn nguy hiểm hơn là tồn kho cao vì cùng lúc vẫn phải gánh những khó khăn như trường hợp có nhiều hàng tồn kho mà còn phải gánh thêm khó khăn là rủi ro về nợ xấu giữa các doanh nghiệp”- vị đại diện này chia sẻ.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong khi số nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng thống kê được thì số nợ xấu mà doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, các công trình nhà nước còn nợ doanh nghiệp thì rất khó thống kê. Vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến cho các khoản nợ này ngày một “phình to ra” và không có cách giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào tình trạng “hụt hơi” mà không được bảo vệ một cách thực thụ vì khó có thể đòi được nợ thông qua việc kiện ra tòa án.

Bên cạnh đó là vấn đề tồn đọng nợ xấu với ngân hàng. Theo ý kiến từ các doanh nghiệp, các ngân hàng ngoài TMCP được thành lập và giám sát không theo những tiêu chí phổ biến của thế giới, hơn nữa lại được bảo vệ bởi quan ngại “đổ vỡ hệ thống” nên trong một thời gian dài đã lạm dụng gây mất lòng tin của người gửi tiền, dẫn đến đầu ra của ngân hàng chính là khối doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Bong bóng bất động sản mà báo chí, người dân nhắc đến có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng, trong khi bong bóng tài sản do chính các ngân hàng thổi phồng từ việc chạy đua tăng vốn đang làm hệ thống này sơ cứng. Nhiều ngân hàng có quan hệ đan chéo về sở hữu với các doanh nghiệp sân sau trong nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng khác nhau nên vấn đề quản lý rủi ro thường bị xem nhẹ.

Trong khi đó phần lớn nền sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hình thành từ vốn vay nên các chủ doanh nghiệp, khách hàng và người lao động của họ thực sự đang bị những ngân hàng yếu kém đã gây dựng mối quan hệ bấy lâu lôi kéo vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước phát huy tính độc lập, từng bước phân loại, khoanh vùng và khắc phục khó khăn cho các ngân hàng TMCP một lần nữa để họ không gây ra đổ vỡ dây chuyền, đồng thời làm lành mạnh nguồn cung cấp tài chính cho doanh nghiệp phát triển trở lại, nghĩa là sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đổi mới công nghệ, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước và nước ngoài.

Cũng tại diễn đàn này, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, hiệp hội... đã bày tỏ kiến nghị liên quan đến thuế, phí, môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo nhân lực, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.