Lo ngại nợ công gia tăng, nợ xấu xử lý chậm

ANTĐ -Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2014, song qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế hiện tại. Trong đó, nóng nhất là vấn đề nợ công gia tăng, nợ xấu còn cao và chậm xử lý.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phát biểu về vấn đề nợ công, nợ xấu tại buổi thảo luận tổ

Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng dù nợ công của nước ta (theo báo cáo của Chính phủ) vẫn trong ngưỡng an toàn theo Nghị quyết của Quốc hội, song dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tiến gần đến ngưỡng giới hạn cho phép. Áp lực trả nợ trong năm 2015 là rất lớn.

Điều đáng lo ngại hơn về nợ công không phải chỉ là tỷ lệ nợ cao mà khả năng trả nợ mỗi năm 13-14%, trong khi ngân sách hiện nay đang rất yếu, tăng trưởng thấp, bội chi cao. Các đại biểu cho rằng, với tình hình hiện nay, khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn cả trước mắt, lâu dài.

Về nợ xấu, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trong thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ. Thậm chí ngay cả trong khoản nợ xấu 300.000 tỷ đồng bán cho công ty thu mua nợ xấu quốc gia (VAMC), nhiều khoản nợ rất xấu, tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ thu hồi rất cao. Nguồn vốn dồn vào khu sản xuất thấp, nhiều điểm tắc nghẽn trong thị trường tài chính chưa được xóa bỏ.

Trong bản thân hệ thống ngân hàng, nhiều ngân hàng vốn huy động lên đến 80-90%, vốn điều lệ rất thấp và trong số đó cũng chưa rõ đã là vốn thật hay không. Lãi suất cho vay ngân hàng còn cao khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp hết sức khó khăn vì đa số các doanh nghiệp phải vay ngân hàng, số doanh nghiệp giải thể, phá sản nhiều…

Đồng tình với quan điểm này, song đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng chúng ta không nên quá hốt hoảng khi nhìn vào tình hình nợ công, nợ xấu của đất nước hiện nay. Điều quan trọng là phải đánh giá một cách thực chất, đưa ra số liệu khách quan hơn, từ đó mới có thể tìm ra hướng giải quyết căn cơ với những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn.