Lo ngại kinh tế suy giảm, xã hội nhiều bức xúc

ANTĐ - Sáng nay 24-5, Quốc hội thảo luận ở tổ với các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Trước đó, báo cáo trước QH ngày 21-5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ nhận định nền kinh tế đã có những dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. 

Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17.700 DN đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, hầu hết các đại biểu các tổ đều tán thành với báo cáo của Chính phủ, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng các đại biểu cũng thể hiện những lo lắng trên nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội. 

Lo ngại dấu hiệu suy giảm kinh tế

Báo cáo trước đó Chính phủ nêu rõ đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Theo đó tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%). Trước số liệu này, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) cho biết: dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ, rất đáng lo ngại. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, vì vậy Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Vì nếu GDP giảm sút thì số thất nghiệp sẽ tăng cao. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%%, nhưng có thể đạt 5,5-6%, cần nỗ lực nhiều.

Ông Lịch cũng nhận định: Về các giải pháp tiền tệ (kinh tế hiện nay khát vốn nhưng thiếu máu), Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ thì càng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà doanh nghiệp phá sản càng nhiều.

Đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Tp.HCM) cho rằng: Quốc hội nên có giải pháp tháo gỡ cho Doanh Nghiệp như giảm thuế và cần có chính sách kích cầu từ người tiêu dùng trực tiếp bằng cách giảm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, kiềm chế giữ giá nước, xăng… giảm áp lực cho người dân để kích cầu. 

Đại biểu Thanh Hải (TP.HCM) cũng tỏ ra lo lắng trước dấu hiệu suy giảm kinh tế, ông cho rằng bức tranh kinh tế xã hội hiện nay rất xấu. Trong các giải pháp có giải pháp thấy vừa mừng nhưng lo cũng không ít. Đó là giải pháp thứ 3, cho thấy quyết tâm chính trị của Chính phủ (thực hiện biện pháp mạnh mẽ tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động). Nhưng trên thực tế doanh nghiệp giải thể nhiều. Bên cạnh đó ông cũng đề nghị có giải pháp kích cầu để tạo niềm tin trong xã hội.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng bày tỏ sự nhất trí với báo cáo về tình hình Kinh tế - Xã hội của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong hoàn cảnh khó khăn, kinh tế vẫn giữ sự ổn định tương đối, an sinh xã hội nói chung được đảm bảo, đời sống của dân được chú ý… là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bà cho rằng báo cáo đã nêu ra được các giải pháp, nhưng chưa cụ thể. Đại biểu Bùi Thị An cũng kiến nghị cần có giải pháp cụ thể, đối với mô hình tăng trưởng, cái gì chưa tốt, cần bổ sung, cần nêu rõ đóng góp của tất cả các ngành kinh tế thì mới có liều thuốc đặc trị hơn.

Ngoài vấn đề về phát triển kinh tế, bà An cho rằng, còn nhiều vấn đề cần chú ý, như vấn đề môi trường, vấn đề giao thông và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó là nguyên nhân “âm ỉ giết người”.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cũng nhận xét rằng, kinh tế 4 tháng đầu năm không đạt được mức tăng trưởng đề ra là tất yếu vì số lượng doanh nghiệp giải thể quá nhiều. Nếu không có giải pháp cụ thể, sắp tới các doanh nghiệp giải thể sẽ còn cao hơn nữa. Ông cũng cho rằng, trong báo cáo mới nêu ra được các biện pháp cho các doanh nghiệp có lãi còn các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản thì chưa có biện pháp, vì thế cần nêu cụ thể, toàn diện hơn và quan tâm hơn tới các doanh nghiệp này.

Các đại biểu đều nhất trí cần phối hợp nhiều biện pháp để kinh tế-xã hội phát triển bền vững

Bức xúc từ đất đai, tham nhũng đến môi trường, giáo dục...

Ngoài các giải pháp để phát triển kinh tế, những khó khăn bất cập, bức xúc của người dân về các vấn đề xã hội cũng được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Đào Trọng Thi nhận định rằng, hiện báo cáo mới chỉ quan tâm nhiều đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng – trong khi đây là yếu tố tạo sự bền vững cho xã hội.

Theo ông Thi, tăng số lượng thì sẽ làm giảm chất lượng. "Ví dụ đối với ngành Y tế, nếu ta mới chỉ quan tâm xem đã đảm bảo bao nhiêu người được bảo hiểm, chăm sóc nhưng chất lượng bảo đảm cho người dân thì sẽ thấp đi, đó chưa phải chiến lược bảo vệ con người tốt nhất. Cũng như thế, trong lao động, nếu chỉ quan tâm xem có bao nhiêu việc làm được tạo ra nhưng chưa rõ được việc làm đó như thế nào, hay chỉ quan tâm xem có bao nhiêu trường học nhưng lại không chú ý cụ thể xem có bao nhiêu trường đạt tiêu chuẩn quốc gia.… thì cũng không tốt. Hơn nữa, nếu chỉ quan tâm đến số lượng mà không quan tâm chất lượng có khi sẽ là điều nguy hại cho xã hội", ông Thi nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đồng tình cho rằng, sở dĩ có các bức xúc trên là do sự chấp hành pháp luật không nghiêm. Bên cạnh đó, vì chưa tập trung giải quyết đến cùng các vấn đề bức xúc nên vẫn còn rất nhiều bức xúc trong nhân dân. Bà lấy dẫn chứng về vấn đề gây cháy nổ xe máy và vấn đề ùn tắc giao thông. Theo đó, bà cho rằng, cả hai vấn đề này chưa được tập trung giải quyết đúng hướng và dứt điểm nên vẫn không hết được những bức xúc.

Bên cạnh đó, bà Khánh nhận định rằng, ngoài các vấn đề trên, giáo đục cũng đang gặp khủng hoảng, điển hình như vụ đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Nếu không giải quyết triệt để những vấn đề này thì dân sẽ không yên lòng.

Đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội) cũng cho rằng, vấn đề về môi trường, xã hội có nhiều bức xúc. Báo cáo cũng chỉ rõ, xã hội đang phải đối mặt với nhiều vụ khiếu kiện về đất đai. Điều này thể hiện sự quản lý chưa tốt. Ông nhận định rằng, để xảy ra các vụ khiếu kiện về đất đai không phải là do luật pháp của ta không đúng mà là do việc tổ chức và quản lý không tốt, nếu không giải quyết triệt để sẽ gây bất ổn trong lòng nhân dân.

Bên cạnh đó, ông Son cũng cho rằng, hiện mức lương chưa đảm bảo cuộc sống. Cần nâng cao mức lương tối thiểu để giảm tình trạng tham nhũng.

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Hiện nay phòng chống tham nhũng vẫn chưa hiệu quả, tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều nhức nhối.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Từ 16h 30, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.