Lo ngại cây xanh lâu năm hỏng rễ gãy, đổ gây họa mùa mưa

ANTD.VN -Hà Nội có hệ thống cây xanh đô thị khá dày đặc, trong số đó nhiều cây cổ thụ lâu năm, nhưng bộ rễ đã bị xâm hại nặng nề trong quá trình mở đường,  xây dựng hạ tầng. 

Ông Vũ Kiên Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội chia sẻ nỗi lo ngại về việc, hệ thống cây xanh đô thị, đặc biệt là những cây cổ thụ bị xâm hại bộ rễ nghiêm trọng.

Theo ông Trung, trên địa bàn Hà Nội có tình trạng nhiều cây xanh đường kính lớn, lâu năm, đang bị xâm hại bộ rễ do việc thi công các công trình vỉa hè, làm đường, cống ngầm…

Cây xanh  cổ thụ đổ ở trường Chu Văn An vừa qua gần như bộ rễ đã không còn 

“Năm vừa rồi có nhiều cây đổ, lực lượng chức năng đến giải tỏa thì gần như không có tí rễ nào dù cây trông to cao, xanh tốt. Chúng tôi rất đau đầu với bài toán này”, ông Trung nói.

Ngoài ra, theo ông Trung, hiện tượng ô nhiễm nước ngầm của Hà Nội cũng gây thối rễ và cây có thể đổ bất kỳ lúc nào.

“Chưa cần gió cấp 11-12, với những loại cây này chỉ cần gió cấp 7-8 vào quần thảo 1-2 tiếng thì không lường được”, ông Trung cảnh báo.

Lãnh đạo công ty cây xanh dẫn chứng, cách đây 10 ngày, một cây sấu đổ ở ngã tư Phan Huy Chú – Lý Thường Kiệt, nhìn ngoài rất tươi tốt nhưng trong thân mục hết, rễ cũng không còn gì. Hay cây xà cừ trong trường Chu Văn An đổ làm 4 học sinh bị thương cũng không còn rễ…

Theo lãnh đạo Công ty Cây xanh Hà Nội, rất khó để phát hiện những cây bị xâm hại rễ, vì cây vẫn phát triển xanh tốt, chỉ đến khi bị giông gió quật đổ mới vỡ lẽ. Ngoài ra, đối với cây bị sâu mục bên trong mà không ảnh hưởng gì đến việc phát triển cũng khó phát hiện. Ngay cả khi sử dụng máy siêu âm dò bệnh cây thì cũng chỉ ở mức tương đối.

Ông Trung kiến nghị với Sở Xây dựng, các quận, huyện bỏ những cây đã sâu mục, có phương án thay thế cây xanh khác vào. Lực lượng thanh tra xây dựng ở địa phương thường xuyên theo dõi việc thi công đào đường, vỉa hè, nếu có tình trạng xâm hại rễ cây xanh thì phải yêu cầu chấm dứt.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, trong năm 2016 trên địa bàn thành phố có khoảng 3.000 cây xanh gãy, đổ. Do vậy, để hạn chế trong mùa mưa bão năm nay và các năm tiếp theo, cần rà soát, phát hiện và kịp thời chặt hạ những cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn khi có mưa bão.

Ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, trong năm 2017, Sở này sẽ ưu tiên xử lý các cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân; trường hợp có cây đổ thì đảm bảo việc trồng thay thế sau 5 ngày.

Liên quan đến chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên địa bàn thành phố, ông Trung thông tin, đơn vị đã trồng hơn 200.000 cây xanh trên toàn thành phố trong năm 2016. Nếu như cả năm 2015, công ty chỉ trồng khoảng 500 cây thì trong năm 2016, mỗi đêm công ty trồng khoảng 700 – 800 cây. Số cây xanh được trồng trong hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã vượt cả năm 2016.