Lo ngại ảnh hưởng từ biến động kinh tế Trung Quốc

ANTĐ - Cho rằng tăng trưởng GDP quý III-2015 sẽ giảm không đáng kể so với mức 6,46% của quý II vừa qua, song các chuyên gia kinh tế rất lo ngại tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. 
Lo ngại ảnh hưởng từ biến động kinh tế Trung Quốc ảnh 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện, lại phải vay thêm 250 triệu USD

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II-2015: Chuyển biến, cơ hội và chính sách” diễn ra sáng 29-7.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc có xu hướng gia tăng là vấn đề nổi bật của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả mức độ thâm hụt cũng khó nắm bắt. 

Đồng tình với quan điểm này, song chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chuyện nhập siêu với Trung Quốc chỉ là mối lo nhỏ. Sâu xa hơn, 90% dự án đầu tư của Việt Nam hiện nay rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. “Họ trúng thầu, nhưng hoặc là họ không có lực, hoặc là họ có lực nhưng không muốn làm tốt nên dự án đầu tư ký kết chỉ 5 năm, nhưng kéo dài đến 15 năm. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ, nay lại phải vay thêm 250 triệu USD nữa. Kinh tế Trung Quốc vẫn ảnh hưởng đến Việt Nam trong ngắn hạn”- ông Lê Xuân Bá phân tích.

Mối lo ngại về tình trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc không phải là câu chuyện mới, nhưng diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian gần đây ảnh hưởng đến châu Âu, Nhật Bản khá mạnh mẽ khiến Việt Nam càng đứng trước nhiều thách thức hơn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Có ý kiến cho rằng, nếu thị trường chứng khoán Trung Quốc sập thì nhà đầu tư sẽ chạy sang nước ta. Theo tôi điều này chưa chắc. Cầu của nền kinh tế Trung Quốc rất kém, trong khi cung dư thừa, hàng hóa nước này sẽ tràn sang Việt Nam”.  

Hàng Trung Quốc vừa rẻ, vừa cung ứng nhanh, có rất nhiều lợi thế khi chính sách của Việt Nam thay đổi. Điển hình cho nhận định này là việc từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu ô tô vận tải từ Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là xe tải vì chính sách siết chặt xe chở quá trọng tải. “Hàng Trung Quốc vừa nhanh, vừa rẻ nên xe được nhập về ngay. Đây là phản ứng tự nhiên của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi, nhưng phản ứng này tiềm ẩn rủi ro”- ông Nguyễn Đình Cung nói.