Lo ngại an ninh trong bệnh viện

ANTĐ - Khoảng một năm trở lại đây, đã có hàng chục vụ tội phạm trộm cắp, lừa đảo, giả danh bắt cóc trẻ em hay hành hung bác sĩ xảy ra tại các bệnh viện công lập gây bức xúc dư luận. Ngành y tế thừa nhận, hiện 100% bệnh viện trên cả nước có tình trạng này. 

Chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ là biện pháp cần thiết để cải thiện công tác an ninh bệnh viện
Ảnh: Internet

Thực trạng đáng báo động

Tại hội thảo về công tác an ninh bệnh viện diễn ra ngày   12-3, GS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng mất an ninh trật tự bệnh viện diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp và khó kiểm soát. Nếu chia hoạt động tội phạm trong các bệnh viện thành 3 hình thức gồm: trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; cò mồi, giả danh bắt cóc trẻ em; gây rối phá hoại tài sản công cộng, hành hung bác sĩ, thì hầu như 100% bệnh viện công lập trên cả nước có tình trạng này. 

GS Đào Văn Dũng liệt kê hàng loạt vụ việc liên quan đến công tác an ninh tại các bệnh viện xảy ra trong một năm qua. Mới đây, tại Bệnh viện huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã bắt được đôi bạn thân chuyên trộm cắp trong bệnh viện là Quyết và Trường. Tại Bệnh viện huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hoá), Bệnh viện Đông Hưng(Thái Bình)… gần đây cũng thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp, móc túi. Cách đây khoảng 1 tháng, tại Bệnh viện Bạch Mai, đối tượng Vũ Quốc Bảo ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đã bị bắt quả tang khi đang “đóng vai” bác sĩ lừa đảo khám bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân. Trước đó, trong tháng 9 và 10 năm 2013, đối tượng này đã gây ra 6 vụ lừa đảo bệnh nhân để chiếm đoạt số tiền 16 triệu đồng. Hay tại Bệnh viện Trung ương Huế vừa qua bắt được đối tượng Nguyễn Thị Thu Tịnh đóng giả bác sĩ lân la làm quen người nhà bệnh nhân để nhận khám chữa nhanh rồi lừa đảo lấy tiền của họ….

Ngày 26-10-2013, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), cháu Nguyễn Tấn Thiên Bảo (SN 2009, ở Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị Nguyễn Thị Ngọc Hương (SN 1975, trú tại Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai) bắt cóc đưa lên xe khách chuyển ra Hà Nội. Sau đó chưa đầy một tháng, ngày 22-11, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em mà đối tượng gây án chính là cha đứa trẻ. Cùng đó, tình trạng hành hung bác sĩ cũng đang gia tăng nhanh. Có thể kể ra hàng loạt vụ việc tiêu biểu như vụ người nhà bệnh nhân “đại náo” tại Bệnh viện Đa khoa Vinh (Nghệ An) đầu tháng 9-2013; vụ người nhà xông vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) đêm 22-9-2013 gây rối khiến nhiều bác sĩ, bệnh nhân hoảng loạn; hay vụ người nhà vào cắt chân bệnh nhân rồi đe dọa y bác sĩ gây phẫn nộ dư luận tại Bệnh viện Xanh Pôn hồi cuối năm ngoái...

Dễ “bắt mạch” khó “điều trị”

Có nhiều nguyên nhân khiến nạn tội phạm, mất an ninh trong bệnh viện gia tăng nhưng theo nhận định của đa số chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ tình trạng quá tải bệnh viện dẫn đến khó kiểm soát. Bên cạnh đó, quy trình tiếp nhận, quản lý bệnh nhân của các bệnh viện còn lỏng lẻo, các biện pháp đảm bảo an ninh chưa được nhiều bệnh viện quan tâm. Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, số vụ tai biến y khoa xảy ra còn nhiều, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa tốt… khiến nhân dân bức xúc, phản ứng. 

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, mỗi ngày các bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận hàng nghìn lượt người bệnh, người nhà, sinh viên thực tập, cán bộ y tế và các đối tượng khác nên các đối tượng tội phạm rất dễ trà trộn gây mất an ninh trật tự. “Bệnh viện như một xã hội thu nhỏ. Ngoài cổng bệnh viện có các đối tượng cò mồi, trông giữ xe tự do, hàng quán... “chặt chém” khách. Trong bệnh viện, kẻ xấu trà trộn giả làm người nhà vào thăm bệnh nhân trộm cắp tài sản. Giang hồ thanh toán nhau cũng đưa vào bệnh viện cấp cứu, thậm chí gây rối loạn, dọa nạt nhân viên y tế. Các thủ đoạn phạm tội không khó nhận biết nhưng ngăn chặn triệt để thì không dễ” – ông Nguyễn Văn Dung nói. 

Để hạn chế và cải thiện công tác an ninh bệnh viện trong thời gian tới, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho rằng, cần một giải pháp đồng bộ với thể chế mạnh và lộ trình rõ ràng. Theo ông Lương Ngọc Khuê, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện với các cơ quan chức năng, với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh khu vực trong và bên ngoài bệnh viện. Với bản thân các bệnh viện, phải đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ưu tiên cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cùng đó, việc chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ bệnh viện cũng là giải pháp cần quan tâm hơn.  

Không để bệnh viện trở thành “điểm nóng”

 Ngày 24-2 vừa qua, CATP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Y tế trong công tác phối hợp giữa 2 ngành, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chung. Ngay sau khi quy chế được ký kết, CATP đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã... tăng cường nắm tình hình hoạt động trong lĩnh vực y tế, phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc, tình huống phức tạp, hướng tới mục tiêu không để các khu vực bệnh viện trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Tin cùng chuyên mục