Lo ngại 50 năm không thu hồi vốn, “siêu Ủy ban” không muốn ACV rót tiền mở rộng sân bay Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến nay, cho ý kiến với tư cách cơ quan chủ quản của Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về hiệu quả đầu tư vào sân bay Điện Biên.

Co gọn, giảm mức đầu tư nhưng vẫn lo ngại về hiệu quả

Theo đó, đại diện Ủy ban quản lý vốn cho rằng, tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không (CHK) Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ACV.

Phân tích từ Ủy ban quản lý vốn cho hay, cả hai phương án đầu tư dự án mở rộng CHK Điện Biên mà Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8189/BGTVT-KHĐT ngày 19/8/2020 cũng chính là các phương án đầu tư mà Bộ GTVT và ACV đã chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban quản lý vốn, sau đó trình lại Chính phủ.

Cụ thể, thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô hai triệu lượt hành khách/năm như đề xuất trước đó, ACV cho biết sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu (công suất 300.000 lượt hành khách/năm) để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm.

Cách làm tương tự cũng được ACV áp dụng cho nhà điều hành Cảng với mục tiêu kéo giảm chi phí đầu tư. Sân đỗ máy bay cũng được tiết giảm đáng kể quy mô với một vị trí đỗ tàu bay ATR72 và 2 vị trí đỗ tàu bay A320/A321.

Siêu ủy ban quản lý vốn bày tỏ quan ngại về hiệu quả đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên

Siêu ủy ban quản lý vốn bày tỏ quan ngại về hiệu quả đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên

Với quy mô đã được co gọn, tổng mức đầu tư mới của dự án mở rộng CHK Điện Biên còn 1.539 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng; còn lại là dự phòng phí.

Về phương án đầu tư, Bộ GTVT và ACV thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án theo hai hướng.

Phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ hệ thống khu bay và khu hàng không dân dụng bằng vốn của doanh nghiệp trên diện tích đất sạch do UBND tỉnh Điện Biên giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Cảng vụ Hàng không để triển khai thủ tục cho ACV thuê đất.

Phương án 2, ACV chỉ đầu tư khu hàng không dân dụng, còn các hạng mục khu bay và giải phóng mặt bằng toàn bộ CHK Điện Biên do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhận.

Dù vậy, Ủy ban quản lý vốn vẫn lo ngại về hiệu quả đầu tư của dự án khi ACV rót cả nghìn tỷ đồng vào đây.

Ủy ban quản lý vốn cho rằng, với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ 3,07%; giá trị hiện tại thuần âm 1.250 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn lớn hơn 50 năm, Dự án không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.

Đồng thời, việc đánh giá, xem xét cần trên quan điểm tổng thể, toàn diện. Cụ thể, 14 CHK do ACV kinh doanh chưa có lãi, nhưng nhiều cảng có tiềm năng lợi nhuận trong thời gian tới.

Mặt khác, CHK Điện Biên, theo báo cáo của ACV và Bộ GTVT, là không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới và cũng không phải là CHK trung chuyển hay CHK có tiềm năng du lịch. Sân bay này đến nay chưa khai thác hết công suất, nhưng cũng không phải đóng cửa như ý kiến của Bộ GTVT.

Không phải sân bay nào cũng tính hiệu quả tài chính

Đại diện Ủy ban quản lý vốn chỉ ra, việc đầu tư Dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét, nhưng phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các CHK để đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp. Không nên yêu cầu doanh nghiệp đầu tư các dự án không thu được lợi nhuận vào thời điểm cần tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm.

Trong khi đó, trong phương án được hiệu chỉnh và gửi tới Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2020, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho rằng, việc đưa CHK Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp, vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến/đi và mang lại lợi ích cho nhau.

Trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới CHK, đảm bảo hiệu quả tài chính.

Bộ GTVT cũng thống nhất với quan điểm này của ACV, đồng thời báo cáo Thủ tướng chính phủ Bộ GTVT nêu rõ: “Nếu giữ quan điểm chỉ đầu tư các CHK đem lại hiệu quả tài chính, thì một số CHK vùng sâu, vùng xa, vùng có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng sẽ không được đầu tư phát triển, thậm chí đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả”.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiệu quả tài chính của ACV là hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng, mỗi cảng có vai trò khác nhau phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Theo Bộ Tài chính, việc đánh giá hiệu quả của dự án mở rộng CHK Điện Biên, ngoài đánh giá hiệu quả tài chính, cần được nghiên cứu đánh giá tổng thể bao gồm cả hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tổng mức đầu tư của dự án (1.539 tỷ đồng) không lớn so với năng lực tài chính của ACV, nên khả năng cân đối vốn để thực hiện là khả thi.