Lỗ nặng, cho không cả cửa hàng xe máy để thoát nợ

ANTĐ - Nhiều đại lý xe máy tranh thủ tăng giá bán, bất chấp thị trường xe máy vẫn ế ẩm, thua lỗ kéo dài và có người còn cho không cả đại lý.

Đua nhau đẩy giá lên cao

Thị trường xe máy đã có dấu hiệu khởi sắc từ đầu tháng 9/2014, khi số lượng khách hàng mua xe nhiều lên và giá nhiều mẫu xe đã tăng so với mức công bố từ các nhà sản xuất.

Các mẫu xe tăng giá chủ yếu là của Công ty Honda Việt Nam. Cụ thể, mẫu xe Lead phiên bản cao cấp được các đại lý bán 41-42 triệu đồng/xe (tùy màu sắc), tăng hơn 3 triệu đồng so với giá đề xuất. Xe SH 125i có giá 68 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng/xe; SH Mode có giá bán 53-54 triệu đồng, tăng từ 3-4 triệu đồng/xe; Vision có giá bán 32 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng/xe.

Kể cả một số mẫu xe số, như Wave Alpha cũng tăng giá bán lên khoảng 300.000 đồng so với giá đề xuất. Duy nhất chỉ có mẫu xe Air Blade 125 vẫn thấp hơn giá công bố 1,8 triệu đồng kể cả phiên bản cao cấp và tiêu chuẩn.

Nhiều đại lý cho hay khách hàng chỉ đông mấy ngày tựu trường, sau đó lại vắng khách

Nhìn sang các thương hiệu xe máy khác, không thấy có sự tăng giá. Kể cả mẫu xe mới, rất ăn khách của Yamaha là Nozza Grande giá bán cũng đang duy trì từ 41-42 triệu đồng/xe bằng giá đề xuất.

Tại đại lý Honda Nam Anh (đường Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội), nhân viên bán hàng ở đây cho biết nhu cầu về xe máy bắt đầu tăng. Có ngày đẹp, đông khách, đại lý này bán tới 50 xe, còn những ngày thường bán từ 10-20 xe.

Lý do xe tăng giá được giải thích là vào năm học mới, nhu cầu về xe máy cho sinh viên đại học tăng. Bên cạnh đó đã đến thời kỳ nhiều xe máy cũ cần phải đổi xe mới, trong khi đó số lượng xe đang ăn khách như Lead, SH, SH Mode, Vision không đáp ứng đủ.

Đại diện Công ty Honda cho biết sản xuất của DN này vẫn ổn định và không có chuyện thiếu xe. Trên thực tế, qua khảo sát các đại lý Honda tại Hà Nội, xe máy vẫn tràn ngập, bày đầy trong cửa hàng và không thấy có hiện tượng thiếu. Có thể vào năm học mới, nhu cầu về một số mẫu xe tăng cao nên các đại lý đã nhân cơ hội này đẩy giá lên, bù cho những ngày bán thấp trước đây.

Cho không cả đại lý xe máy

Khởi sắc được khoảng 1 tháng và chỉ vài mẫu xe ăn khách, các đại lý xe máy chưa thể vui. Một số đại lý cho hay nhu cầu chỉ tăng vào những ngày cuối tuần, khi mọi người nghỉ làm, có thời gian đi mua xe, còn ngày thường rất vắng.

Có lẽ, nhu cầu về xe máy chỉ tăng trong ngắn hạn, sau khi học sinh nhập trường, sức mua lại giảm mà chưa thấy có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian dài như trước.

Xe máy xếp hàng dài chờ người mua

Các phân tích cho thấy, giai đoạn giá xe máy tăng cao ngất ngưởng đã qua. Trước kia, công suất của các DN xe máy còn thấp, mỗi năm, mỗi thương hiệu chỉ có vài ba sản phẩm mới ra mắt, cung không đủ đáp ứng cầu. Nay thì ngược lại, sau khi các DN cách đây hơn 2 năm đầu tư rầm rộ khiến xe máy dư thừa lớn. Mỗi năm, các nhà máy lại tung ra cả chục mẫu xe mới khiến thị trường "bội thực", sao có thể tăng giá cao được?

Vì thế, nếu trước kia, có giấy phép mở đại lý bán xe máy Honda là mơ ước của giới kinh doanh, thì nay nhiều người lại đang tháo chạy bằng cách bán đại lý cho người khác. Tuy nhiên, thời bán lại đại lý đã qua, giờ đã có người phải cho không đại lý.

Một đại gia từng mở đại lý xe Honda từ thời gian đầu vừa tiết lộ, ông đã để lại cho một người bạn đại lý này mà không lấy đồng nào. Lý do, trong 2 năm qua, đại lý này không có lãi, trang thiết bị còn lại không đáng giá.

Trong khi đó, người tiếp quản phải lo trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên hàng tháng, phải vay vốn lưu động để mua xe về bán với chi phí khá lớn. Vì là bạn nên đại gia này nói thẳng, cửa hàng không có lãi và dự báo tương lai thị trường xe máy vẫn rất khó khăn, để bạn sau này đừng kêu ca phải "hót" cái "của nợ" này.

Với những đại lý kinh doanh có lãi, hoặc hòa vốn thì không nói, nhưng những đại lý thua lỗ kéo dài thì muốn cho cũng khó. Có đại lý ở địa bàn bất lợi, ít khách hàng, làm dịch vụ sửa chữa không ăn thua, trang thiết bị cũ kỹ, chẳng đầu tư mới, cho chắc chẳng ai dám nhận. Thời gian qua, các DN xe máy cũng mất khá nhiều đại lý do thua lỗ phải đóng cửa.