Lo “mảnh vỡ” Ukraine

ANTĐ - Cả Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang đừng ngồi không yên trước việc đất nước Ukraine đang khủng hoảng và chia rẽ sâu sắc sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych.

Người Ukraine không biết bao giờ mới dọn dẹp xong những đổ nát do mình gây ra

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton tuyên bố sẽ tổ chức thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tháng 3 tới ở thủ đô Rome của Italia. Cuộc gặp này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-3 với tâm điểm là cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại Ukraine, nơi mà cả phương Tây và Nga đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt.

Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao nhất lần đầu tiên giữa EU và Nga sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych được cho là thân Matxcơva bị lực lượng chính trị thân phương Tây lật đổ tại Ukraine. Song cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov và bà Ashton không vì thế mà chỉ tập trung vào vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây bởi điều mà hai bên cùng lo ngại nhất vào lúc này là cuộc khủng hoảng tại quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ đã vượt tầm kiểm soát.

Cuộc lật đổ chính quyền Tổng thống Yanukovych thân Nga để đưa lực lượng chính trị ngả về phương Tây lên nắm quyền không hề mang lại ổn định, càng không thể hàn gắn chia rẽ quá sâu sắc giữa hai khuynh hướng chính trị tại Ukraine. Trong đó, nửa phía Tây Ukraine muốn dựa hoàn toàn vào phương Tây, còn phía Đông và phía Nam, trong đó có bán đảo Crimea, lại theo đuổi mối quan hệ hữu hảo với nước Nga.

Sự đối đầu giữa hai khuynh hướng chính trị trên đã làm bùng phát làn sóng biểu tình, bạo loạn dẫn tới lật đổ Tổng thống Yanukovych và nay lại tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột mới tại Ukraine. Tin mới nhất ngày 27-2 cho biết, trong khi một nhóm tay súng khoảng 50 người chiếm và nắm quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội và tòa nhà Chính phủ ở nước Cộng hòa Tự trị Crimea thì xung đột đã nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ Nga và phương Tây đã làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 20 người bị thương.

Bạo loạn nối tiếp xung đột giữa hai lực lượng chính trị ở Ukraine đã khiến không ít người lo sợ về nguy cơ nội chiến tại quốc gia này. Nội chiến và chia cắt Ukraine là điều không ai mong muốn và không ai được lợi, kể cả hai bên đang giành giật ảnh hưởng tại đất nước này là phương Tây và Nga.

Bên cạnh mối lo biến thành “điểm nóng” xung đột mới trong lòng châu Âu, Ukraine còn đứng trước nguy cơ sụp đổ về kinh tế. Hiện nước này đang nợ nước ngoài 73 tỷ USD và phải thanh toán khoản nợ 12 tỷ USD trong năm 2014 này.

Lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế lâu nay, Ukraine hiện hoàn toàn không có khả năng trang trải các khoản nợ nước ngoài nên hoàn toàn phải trông đợi từ bên ngoài. Các quan chức chính phủ lâm thời Ukraine tuyên bố nước này cần 35 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để tránh không bị phá sản song trong bối cảnh khủng hoảng nợ công hoành hành thì EU vừa không muốn vừa chẳng đủ lực để hứng “gánh nặng” tài chính của Kiev, nên muốn đẩy gánh nặng này về phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ và Nga.

Trong khi đó, IMF và Mỹ lại chưa hề đưa ra một cam kết trợ giúp tài chính mạnh mẽ nào. Nga trước đó đã cam kết tài trợ 15 tỷ USD cho Ukraine dưới thời Tổng thống Yanukovych chắc chắn sẽ xem lại khoản trợ giúp này khi một chính thể thân phương Tây lên cầm quyền.