Lộ lọt thông tin cá nhân, nhiều người dùng bị gọi điện đe dọa, đòi nợ

ANTD.VN - Thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh thư… bị lộ lọt khiến nhiều người trở bỗng nhiên trở thành “con nợ”, bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ, đe dọa bất kể ngày đêm.

Cần bảo vệ thông tin cá nhân để tránh bị quấy nhiễu

Thời gian qua, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ thông tin bỗng dưng có người gọi điện, nhắn tin tới đe dọa, đòi nợ, dù họ không vay tiền hay cầm cố tài sản với bất kỳ ai.

Số tiền bị đòi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Nếu người nhận tin nhắn không trả, họ sẽ nhận được tin nhắn đe dọa nên rất bất bình và hoang mang. Đây là một trong những hệ quả của việc thông tin của người dùng bị lộ lọt.

Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, người thân của người dân để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có một số vụ việc người tiêu dùng thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã thanh toán xong khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ để đe dọa, gây áp lực trả tiếp khoản vay đã trả.

Anh Nguyễn Hoàng Linh (Hà Đông- Hà Nội) cho biết: “Bây giờ đi mua bán gì cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin, nào là họ tên, số điện thoại, địa chỉ… Tuy nhiên những bên thu thập thông tin này sau khi sử dụng cho mục đích chính đáng của họ thì lại không bảo mật, làm lộ lọt, thậm chí bán lại cho bên thứ ba khiến người dùng bị quấy rối”.

Theo anh Hoàng Linh, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong thời gian qua. Đáng chú ý là thông tin trên không chỉ được sử dụng để giới thiệu, chào mời mua dịch vụ, mà còn để đòi nợ, tống tiền… Hành vi này ngày càng gia tăng khi các dịch vụ cho vay, cho thuê tài chính nở rộ tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng năm 2019, nhóm hành vi bảo vệ thông tin của người tiêu dùng nhận nhiều khiếu nại của người dùng nhất.

“Nhóm hành vi này chiếm 36% tổng số khiếu nại tới Cục. Trong đó, nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người tiêu dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin của người tiêu dùng vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng”- đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nói.

Xét về nhóm hàng hóa, dịch vụ bị khiếu nại thì nhóm “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” bị khiếu nại nhiều nhất, chiếm 40,37%. Theo đó, một số công ty tài chính, công ty cầm đồ có liên kết với công ty tư vấn dịch vụ kết nối đòi nợ, đe dọa người dân.

Để tránh những rủi ro nêu trên, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân; Ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay bởi Ngân hàng nhà nước.

Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến thì nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ (địa chỉ công ty, số điện thoại, email liên hệ…).

Hiện có một số công ty sử dụng địa chỉ giả, địa chỉ tại nước ngoài, số điện thoại liên hệ thu cước đắt (5.000đ/phút) nhằm gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình liên hệ. Người tiêu dùng cũng cần yêu cầu cung cấp hợp đồng khi vay để được đảm bảo quyền lợi.