Lo lạm phát tăng trở lại

ANTĐ - So với tháng 12-2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2015 mới tăng 0,55%. Tổng cục Thống kê dự báo, nhiều khả năng, mục tiêu lạm phát dưới 5% trong năm nay sẽ đạt được. Thông tin trên được Tổng cục Thống kê cho biết sáng 24-6.
Lo lạm phát tăng trở lại  ảnh 1

Giá xăng tăng liên tiếp khiến người dân lo lắng

Giá xăng tăng đẩy CPI

Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến CPI. Cụ thể, trong tháng 5-2015, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,02% so với tháng 4 chủ yếu do tác động từ đợt tăng giá xăng ngày 5-5. Bước sang tháng 6, chỉ số giá nhóm hàng này tăng đến 3,54% so với tháng trước. Nguyên nhân cũng bởi giá xăng tăng liên tiếp vào ngày 19-5 và 5-6. Tổng cục Thống kê cho biết, cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở TP.HCM từ ngày 1-6, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu điện tăng cao làm chỉ số giá tăng theo. Hiện cũng là mùa du lịch nên giá cả nhóm du lịch nhích lên… Tuy nhiên,  xăng tăng giá là 1 trong 4 nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng này tăng 0,35% so với tháng trước. 

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, so với tháng 12-2014, CPI tháng 6-2015 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2014, mức tăng cùng thời điểm được ghi nhận là 1,38% và năm 2013, tỷ lệ này là 2,4%. So với tháng 5-2015, CPI tháng 6 tăng 0,35% cũng thấp nhất trong các tháng 6 của 10 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số giá nhóm giao thông vẫn tăng cao hơn so với mức tăng bình quân. Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, với mức tăng thấp như hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, sẽ tốt cho điều hành kinh tế và không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP. 

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, CPI tăng thấp không phải do sức mua yếu. 6 tháng đầu năm nay, chỉ số này tăng hơn 8%, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,69% năm 2012, 4,9% năm 2013 hay 5,7% năm 2014. Điều này cho thấy sức mua vẫn đang tăng, chứng tỏ công tác điều hành đang được thực hiện phù hợp với tín hiệu thị trường. Trên thực tế, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn. 

Dự báo về lạm phát 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: “CPI 6 tháng tăng thấp, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đặt ra. Nhưng chúng tôi nhận thấy rủi ro còn tiềm ẩn. Giá xăng dầu có thể tăng trở lại, tác động trực tiếp đến lạm phát”. 

Nhiều mặt hàng tăng giá

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng trong tháng 6, nhóm lương thực và dịch vụ ăn uống giảm 0,03% so với tháng trước, nhưng ăn uống ngoài gia đình và thực phẩm vẫn tăng mỗi nhóm thêm 0,1%. Bên cạnh đó, nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa dịch vụ khác đều tăng 0,12%. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, chắc chắn việc tăng giá xăng dầu đã tác động lên giá cả các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu, dù mức ảnh hưởng chưa lớn. 

Trên thực tế, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, một số mặt hàng có biến động giá nhẹ. Theo chị Trần Thị Bằng (tiểu thương chợ Thành Công – Hà Nội), trứng gia cầm đang tăng giá khá mạnh. Cụ thể, trứng gà ta tăng 3 giá, từ 30.000 đồng/chục lên 33.000 đồng/chục. Trứng vịt cũng tăng 2 giá lên 30.000 đồng/chục. “Bên giao hàng nói chi phí đi lại tăng nhưng không dám tính vào giá bán mà họ chấp nhận giảm lợi nhuận, còn thực tế họ có tăng giá giao buôn do vận chuyển không thì tôi không rõ”- tiểu thương này nói. Ngoài mặt hàng này, vịt lông cũng tăng từ 50.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. 

Đáng chú ý, do chi phí vận chuyển tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/chuyến nên khoảng 1 tuần nay, giá dưa hấu đổ đống tăng mạnh, từ mức 8.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. “Trước đây chúng tôi nhập hàng về chỉ 5.000 đồng/kg, nay đã lên đến 9.500 đồng/kg”- người bán dưa hấu trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) giải thích. 

Theo các chuyên gia, mặc dù lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá một số loại hàng hóa thiết yếu theo thị trường nhưng việc tăng giá cần thận trọng, phải tính toán kỹ lưỡng để không kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khiến sinh hoạt của người dân khó khăn hơn.