Lơ là Phòng chống dịch ở gia súc, gia cầm: Chưa có cán bộ nào phải chịu trách nhiệm?

ANTĐ -Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP ráo riết chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan phải vào cuộc phòng chống dịch cúm gia cầm với tinh thần chủ động, nhanh chóng. Song, ngay tại Hà Nội, dịch đã xảy ra, hàng nghìn con vịt bị chết mà chính quyền cơ sở vẫn chưa hay biết.

Hơn 10.000 con vịt chết vì dịch mà chính quyền xã Phượng Dực vẫn không biết do bệnh gì?!

Thờ ơ với dịch

Anh Nguyễn Trọng Túc, thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên cho biết, anh và người em trai Nguyễn Trọng Cường cùng trú tại địa chỉ trên vừa bị thiệt hại gần 300 triệu đồng do dịch cúm H5N1 làm chết toàn bộ đàn vịt gần 12 nghìn con. Theo đó, vào giữa tháng 2-2012, đàn vịt có dấu hiệu ốm chết rải rác, anh Túc đã báo cáo cán bộ thú y xã là anh Doãn Văn Huy. Tuy nhiên, anh Huy cho biết không có hỗ trợ gì đâu, tự gia đình anh lo giải quyết. Trong các ngày tiếp theo, vịt của gia đình anh tiếp tục ốm chết hàng loạt, lượng chết lên tới hàng nghìn con. Anh Túc thừa nhận: “Vì xót của, vì sự thờ ơ của cán bộ thú y xã, tôi đã đóng gia cầm chết dịch vào bao tải rồi chở ra sông Nhuệ vứt. Tôi biết làm vậy là sai”. Năm ngày sau, khi đàn vịt ốm chết hơn 5.000 con, anh Túc lên UBND xã báo cáo, đề nghị địa phương tìm cách giải quyết. Đến lúc này, cơ quan chức năng mới vào cuộc, xét nghiệm, kiểm đếm, thì lượng vịt được hỗ trợ nhà anh chỉ còn gần 3.000 con. “Cả đàn vịt 8.800 con với số tiền vốn, tiền cám lên tới gần 270 triệu đồng bỗng chốc tay trắng. Việc tắc trách, sự thờ ơ của cán bộ thú y xã là khó chấp nhận”, anh Túc nói.

Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Túc sau một lần dịch càn quét đã trống hơ trống hoác, vôi bột rắc trắng sân, cổng đến vườn. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực cho biết, vào ngày 21 và 22-2 vừa qua, lực lượng thú y huyện có phối hợp với địa phương tiêu hủy gần 3.000 con vịt của hộ gia đình anh Túc. Song đến nay, đàn vịt bị ốm chết vì bệnh gì bản thân ông cũng chưa biết, nên chính quyền địa phương chưa công bố rộng rãi đến bà con trong xã cũng như chưa lập trạm gác chốt kiểm dịch? Dù, theo ông Thùy, Phượng Dực là một trong những xã chăn nuôi lớn của huyện, với lượng gia cầm lên tới hơn 20 vạn con. Trong khi đó, anh Túc cho biết, ngay sau khi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có kết quả trả lời đàn vịt nhà anh dương tính với cúm A/H5N1, UBND xã đã có cuộc họp tại trụ sở ủy ban thông báo cho gia đình anh biết để phối hợp tiêu hủy.

Gia cầm giống trôi nổi, nhập lậu được xuất đi khắp các nơi 

Xem thường sức khỏe cộng đồng?

Điều nguy hại, sự giấu dịch trên địa bàn xã Phượng Dực có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, bởi, còn hàng trăm hộ chăn nuôi ở khu vực xung quanh không biết để đề phòng. Qua ghi nhận cho thấy, dọc trục đường qua địa bàn xã Phượng Dực, vịt chủ yếu được nuôi thả ngay ven đường.

Nếu như chính quyền xã Phượng Dực cố tình giấu dịch thì trên địa bàn xã Đại Xuyên, một trong những nơi cung cấp lượng con giống gia cầm lớn nhất nhì cả nước, lại bị buông lỏng. Đường vào Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, nơi cung cấp và lưu giữ giống gia cầm của cả nước bị bủa vây bởi các lò ấp gia cầm tư nhân. Theo một chủ ấp gia cầm tại đây, mỗi ngày, lò ấp của anh có thể cung cấp từ 1 nghìn cho tới 10 nghìn con giống các loại. Trứng được thu mua từ khắp các địa phương. Tuy nhiên, với những loại giống gà, vịt, ngan choai hầu hết được nhập từ Trung Quốc, rồi từ đây, gà vịt được bán thương phẩm đi khắp nơi.

Lo ngại về việc buông lỏng kiểm soát nguồn gốc giống gia cầm tại đây, ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết, trên địa bàn xã Đại Xuyên có khoảng trên 100 trại ấp trứng gia cầm tư nhân, 1 tuần xuất đi từ 500 nghìn - 1 triệu con giống. Trong khi đó, lượng giống mà trung tâm xuất đi mỗi tuần chỉ đạt 25-30 nghìn con. “Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng con giống gần như bị bỏ ngỏ tại các lò ấp thủ công này.  Chất lượng con giống bị thả nổi cũng dễ hiểu vì sao dịch bệnh liên miên xảy ra”, ông Trọng phản ánh. Hầu hết các trại ấp trứng tư nhân đều được cấp một giấy chứng nhận an toàn vệ sinh trong ấp nở gia cầm. Song, điều này không đồng nghĩa với việc, mỗi lứa gia cầm xuất đi đều đảm bảo về mặt dịch bệnh.

Lý giải về nguyên nhân khu vực này ít có dịch bệnh xảy ra, ông Trọng cho biết, bởi, các trại ấp nở chỉ đảm nhiệm việc ấp trứng rồi hoặc thu gom giống rồi xuất đi ngay, nếu con giống không đảm bảo thì chỉ có người chăn nuôi phải chịu thiệt thòi.

Với cách phòng và chống dịch “bình chân như vại” kể trên, cũng dễ hiểu vì sao dịch bệnh cúm gia cầm không có dấu hiệu giảm qua các năm. Trên nóng, dưới lạnh, có lẽ cũng do chưa một cán bộ địa phương nào phải chịu trách nhiệm vì để dịch xảy ra.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: “Dân họ nói linh tinh”

“Thông tin dịch cúm gia cầm ở Phượng Dực là không chính xác. Dân họ nói linh tinh. Vừa rồi có thông tin lên Sở NN&PTNT, chúng tôi đã chỉ đạo, huyện người ta đã lập đoàn xuống kiểm tra, thì không phải như thế. Những bao tải vứt trên sông là bao tải rác thôi, không phải vịt. Huyện Phú Xuyên cũng làm rất quyết liệt. Chúng tôi cũng đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tình hình tại các quận, huyện trên địa bàn”, ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định.