“Lỗ hổng” trách nhiệm

ANTĐ - Trong việc làm ăn, đầu tư, kinh doanh, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Chẳng ai dám mạnh miệng nói cứng trong thời buổi lạm phát, kinh tế khó khăn.

 Đầu năm nay, Bộ Tài chính quyết định kiểm tra 82 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường xuyên báo cáo lỗ. Ngay sau khi danh sách được công bố, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo có lãi. Ngạc nhiên đến khó hiểu.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ kiểm tra 2.600 doanh nghiệp FDI từng báo cáo lỗ trong năm 2010, nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng báo cáo lỗ giả để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu cuộc “ra quân” này thắng lợi, hy vọng ngân hàng nhà nước sẽ thu được thêm hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế. Tới thời điểm này, việc “sờ gáy” 2.600 doanh nghiệp báo cáo lỗ mới chỉ là “ý định” của Bộ Tài chính. Ngay cả khi ý định trở thành hành động thì cũng là quá muộn màng.

Điều bất thường đã diễn ra trong nhiều năm nay là có đến 40-60% doanh nghiệp FDI kêu lỗ liên tục, thậm chí còn lỗ nặng. Ấy vậy mà nhiều doanh nghiệp vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Thực trạng này như một “điệp khúc” không chỉ tái diễn một vài năm, mà kéo dai dẳng cả chục  năm nay. Chính ngành thuế trực thuộc Bộ Tài chính chứ không phải người ngoài cuộc đã phát hiện ra hiện tượng bất thường trong các báo cáo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI.

Chẳng cần có con mắt “nghiệp vụ” sắc sảo gì, cách đây chừng mười năm, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM đã nghi ngờ có dấu hiệu gian lận khi gần một nửa doanh nghiệp FDI ở thành phố công bố bị thua lỗ. Trong khi đó, hầu như tất cả doanh nghiệp trong nước đều có lãi, thậm chí lãi to. Thống kê của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, kể từ năm 1998, số doanh nghiệp FDI trên cả nước báo cáo lỗ luôn chiếm đến 40-50%. Vậy tại sao Bộ Tài chính và ngành thuế không “ra tay” ngay, ngoại trừ một số cuộc điều tra số lượng nhỏ doanh nghiệp bị nghi ngờ? Phải chăng vì họ quá giỏi, quá nhiều chiêu “tinh vi” biến lỗ giả thành lãi thật để qua mặt ngành thuế?

Thực ra, “võ công” của họ không đến mức… thâm hậu gì. Bản thân quan chức Cục Thuế và một số chuyên gia kinh tế đã “bắt bài” được ngay. Đó là khai khống chi phí đầu tư ban đầu, giá nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và khai thấp giá xuất khẩu để chuyển giá ra nước ngoài. Có hàng loạt bằng chứng không thể chối cãi trong các dự án công nghiệp, mặc dù có cùng công suất, thiết kế, trang thiết bị và công nghệ thì chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và đại lục, nhưng thật kinh ngạc lại có chi phí đầu tư gấp đôi so với các dự án của doanh nghiệp Việt Nam với thiết bị và công nghệ mua từ châu Âu, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp FDI ở nước ta có pháp nhân độc lập song thực chất hoạt động như một xưởng gia công của công ty mẹ ở Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Dưới vỏ bọc này, họ dễ dàng khai khống giá vật tư, nguyên liệu mua từ công ty mẹ, rồi hạ thấp giá thành phẩm xuất qua công ty là trung gian để chuyển lợi nhuận bất hợp pháp ra nước ngoài.

Những doanh nghiệp FDI gian dối biến lỗ thành lãi, chẳng những không mang lợi ích gì cho kinh tế nước ta, mà còn gây thất thu khoản thuế lớn và để lại nhiều hậu quả tai hại. Họ dễ dàng “qua mặt” cơ quan quản lý nhà nước biến lỗ thành lãi vì lọt qua “lỗ hổng” trách nhiệm.