Lỗ hổng lao động

ANTĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế, mặc dù hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam đã được hình thành, cơ sở dữ liệu đã chính thức được kết nối giữa Trung ương và 63 tỉnh, thành nhưng xét về tổng thể, chưa có hệ thống thông tin được kết nối đồng bộ, có thể bao quát được cung - cầu lao động. Bằng chứng là cơ sở dữ liệu vừa thiếu, vừa không cập nhật được thường xuyên do các cuộc điều tra chỉ được thực hiện 1 lần/năm, trong khi thị trường này “sớm nắng, chiều mưa”.

Lâu nay đã có những phân tích, đánh giá về tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, thừa thầy thiếu thợ, cái thị trường cần thì không có, cái thị trường không cần lại thừa. Cho dù năm 2011, lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người so với năm 2010, nhưng tỷ trọng qua đào tạo quá thấp, chỉ chiếm 14,7% và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta khá thấp, song tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị lại cao hơn khu vực nông thôn. Năm qua, tiền lương danh nghĩa dù có tăng ở tất cả các khu vực nhưng tiền lương thực tế của người lao động lại giảm. Tình trạng này được ví như “nước lên mà thuyền không lên”. Nói cụ thể hơn, nam giới có thu nhập bình quân hơn 2,6 triệu đồng/tháng, còn nữ giới chỉ hơn 2,2 triệu đồng. Hơn thế, thu nhập bình quân có mức chênh lệch khá lớn, thấp nhất là ngành nông, lâm, thủy sản vào khoảng 1,8 triệu đồng/tháng trong khi mức cao nhất là những ngành có nhiều lợi thế như ngân hàng, điện lực, bưu điện, viễn thông, xăng dầu…

Đây chỉ là một trong nhiều “lỗ hổng” dễ nhìn thấy của thị trường lao động. Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH nhận xét, điều đáng lo ngại là thực trạng quan hệ xã hội - việc làm ngày càng căng thẳng phản ánh qua “làn sóng” lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, khiến cho tỷ lệ lao động ở thành thị tăng từ 20% năm 1996 lên hơn 28% năm 2011. Đội quân lao động “thập cẩm” này phần lớn là lao động theo mùa vụ, làm việc chủ yếu trong khu vực phi chính thức.

Đây được đánh giá là “lỗ hổng” rất đáng quan tâm và không dễ lấp kín bởi nó góp phần tạo ra những mất cân bằng và cân đối về an sinh xã hội. Lực lượng này hầu như bị “bỏ sót”, mặc dù số lượng không nhỏ, không nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết cũng như các chế độ phúc lợi xã hội dành cho người lao động. Mặt khác họ còn phải đối mặt rất nhiều rủi ro rình rập như bị lạm dụng, bóc lột; không có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở. Tuy nhiên, lại rất dễ “tiếp cận” và tiêm nhiễm tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm, cờ bạc, trộm cướp và tội phạm.

Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận thị trường lao động vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, bất cập cần phải được giải quyết một cách căn cơ, bài bản; quản lý khoa học và khai thác tiềm năng lực lượng lao động cả về số lượng và chất lượng.