Lỗ hổng khó bịt

ANTĐ - Vụ hỏa hoạn tại một khu chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa hôm vừa rồi lại khiến người dân lo lắng về công tác phòng ngừa, xử lý chữa cháy và thoát nạn tại các khu nhà cao tầng ở Hà Nội.

Từ vụ cháy “tòa tháp đôi” ở phố Cửa Bắc, rồi đến vụ cháy khu chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Chí Thanh và nhiều vụ hỏa hoạn khác, một “mẫu số chung” đó là người dân ai nhanh, ai khỏe, thì tự thoát. Còn không, họ chỉ biết trông cả vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Một khu nhà cao tầng hình thành, điều kiện cần và đủ là nó phải được xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy - chữa cháy. Phương án này được xây dựng và thẩm duyệt thống nhất bởi chủ đầu tư và cơ quan phòng cháy chữa cháy. Quá trình vận hành khi khu nhà cao tầng đi vào hoạt động, trách nhiệm giữa bên quản lý (chủ đầu tư) và cơ quan phòng cháy - chữa cháy là vẫn phải duy trì, thông qua công tác kiểm tra, hướng dẫn định kỳ hoặc đột xuất. Một yêu cầu gần như bắt buộc, đó là công dân ở các khu nhà cao tầng phải được học tập- diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn. Chưa kể nguyên tắc quan trọng đối với các khu nhà cao tầng là phải hết sức rõ ràng các chỉ dẫn cũng như lối thoát nạn trong tình huống xảy cháy.

Chưa có phương tiện thích hợp, hiệu quả để “vươn” tới những đám cháy có độ cao trên 70 mét. Đây là nhược điểm trong công tác chữa cháy ở Hà Nội hiện nay. Song có một tính chất, đặc thù tuyệt đối đối với công tác phòng cháy - chữa cháy, là hạn chế tối đa cháy, làm tốt công tác phòng ngừa, hơn là để xảy ra sự cố cháy. Nôm na, “phòng” cháy quan trọng hơn “chữa” cháy. Thế nhưng thực tế các vụ hỏa hoạn ở các khu chung cư cao tầng thời gian qua cho thấy, yếu tố “phòng” còn rất nhiều hạn chế. Như khu chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Chí Thanh, có cháy “ầm ầm” người ta mới biết hệ thống báo cháy của khu nhà “cao cấp” này đã… hỏng từ lâu. Lực lượng chữa cháy “trách” đơn vị quản lý khu nhà. Còn ban quản lý khu nhà lại không thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm. Thực tế rõ ràng, người ta xây hàng loạt ngôi nhà cao tầng nhưng chẳng cơ quan nào buồn “xây” trách nhiệm của đơn vị hữu trách. Thực tế - thực trạng - lỗ hổng này diễn ra lâu rồi, và dường như, người ta cứ “kệ” cho sự may rủi của những công dân sống trên các căn hộ cao tầng.