Hàng triệu lượt khách dùng hộ chiếu giả lên máy bay

“Lỗ hổng chết người” của an ninh hàng không

ANTĐ - Trong diễn biến mới nhất vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả có liên quan đến sự mất tích của chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng Hàng không Malaysia vào ngày 8-3. Thế nhưng, lại dấy lên những lo ngại về “lỗ hổng chết người” trong quy trình an ninh hàng không. Trong thông báo đưa ra ngày 9-3, Tổng thư ký Interpol là Ronald K. Noble nói rằng: Interpol đã nhiều lần chất vấn vì sao các nước phải “chờ cho tới khi thảm kịch xảy ra mới tăng cường an ninh tại các biên giới và các cổng lên máy bay”.

Quá sơ hở

Theo Interpol, ngay sau khi dịch vụ du lịch quốc tế bùng nổ, năm 1973, tổ chức này đã cảnh báo việc sử dụng hộ chiếu ăn cắp. Bởi cùng với sự phát triển của du lịch, các băng đảng tội phạm, khủng bố cũng đã sử dụng hộ chiếu và giấy tờ tùy thân ăn cắp để qua mặt các cơ quan an ninh, nhằm phục vụ các hoạt động buôn lậu, khủng bố. 

Vào năm 2002, Interpol đã tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu lưu giữ hơn 40 triệu hồ sơ các trường hợp hộ chiếu bị mất. Cơ sở dữ liệu này được cung cấp cho toàn bộ 190 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Interpol không thể ép các quốc gia này tích hợp nó vào hệ thống của họ. Trong năm 2011, có tới hơn 1 tỉ lượt hành khách đã lên máy bay mà hộ chiếu của họ không được đối chiếu với cơ sở dữ liệu này.

Và khoảng hơn 800 triệu lệnh tìm kiếm được thực hiện mỗi năm và trung bình có 60.000 trường hợp được tìm thấy. Trong số đó, Mỹ thực hiện tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu khoảng 250 triệu lần/năm; Anh 120 triệu lần/năm và Các tiểu Vương quốc Ả rập là 50 triệu lần/năm. Riêng Mỹ, mỗi năm Chính phủ ban hành hàng nghìn “danh sách cấm lên máy bay” đối với các hành khách đáng ngờ cho các hãng hàng không. Chỉ riêng trong năm 2011, Mỹ đã ban hành hơn 3.600 danh sách cấm bay như vậy.

Hiện chưa rõ 2 tấm hộ chiếu bị đánh cắp của một công dân Italy và một công dân Áo có liên quan gì tới vụ mất tích chiếc Boeing 777 chở theo 239 người từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc hay không. Nhưng rõ ràng, những vụ lọt lưới như thế không mới và bất chấp Interpol đã cảnh báo, nhiều nước vẫn lơ là công tác kiểm tra hộ chiếu.

“Lò” sản xuất hộ chiếu giả tại Thái Lan

Hiện Thái Lan là một trong những  “lò” sản xuất hộ chiếu giả lớn nhất thế giới. Nhiều băng nhóm ở Thái Lan sử dụng nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, gái điếm ăn cắp hộ chiếu của du khách. Khoảng 20 băng nhóm buôn bán hộ chiếu giả ở Thái Lan do bọn tội phạm các nước Nam Á và Trung Đông cầm đầu.

Những giấy tờ này được chuyển tới bên trung gian là người Thái hoặc người nước ngoài, những nhân vật này có liên hệ với mạng lưới tội phạm. Các cuốn hộ chiếu sau đó có thể được chỉnh sửa như: dán ảnh mới, nhưng nhiều khi những kẻ vi phạm hy vọng sẽ đi qua trót lọt dưới lốt chính chủ.

Tại Thủ đô Bangkok, khu vực đường Khao San, nơi nhiều khách du lịch ba lô hay lui tới, là một trong những địa điểm bán nhiều những loại giấy tờ kể trên. Ngoài hộ chiếu và các loại thẻ, giấy CMND cũng được làm giả và được bán với giá chỉ khoảng 6 USD một chiếc. Chỉ cần bỏ ra 245 USD và sau 2 tiếng chờ đợi, khách hàng sẽ có ngay một cuốn hộ chiếu giả. Ngoài ra, “dịch vụ” tẩy xoá hộ chiếu có giá từ 25 đến 50USD mỗi cuốn. 

Đặc biệt là đối với loại hộ chiếu của Mỹ hoặc Anh vì rất khó làm giả do những biện pháp chống làm giả nghiêm ngặt của nước phát hành chúng, nên có thể bán được 2.400 USD. Hộ chiếu Mỹ đã thay ảnh và tên có thể được bán tới 2.900 USD. Hầu hết số hộ chiếu thật nhưng bị tẩy xoá vừa kể trên được mua hoặc lấy trộm từ những du khách tới thăm Thái Lan. Cảnh sát Thái Lan cho hay, có một số du khách đến từ những nước như Mỹ, Anh… đã bán hộ chiếu của họ cho những kẻ làm giấy tờ giả và sau đó lại thông báo bị mất cắp. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết có hơn 60.000 hộ chiếu các nước bị thất lạc hoặc báo mất tại Thái Lan chỉ từ tháng 1-2012 đến tháng 6-2013.

Trong khi đó, Larry Cunningham - cựu cố vấn Tổng lãnh sự Úc tại Phuket cho rằng, vấn đề lớn nhất là tình trạng khách du lịch đặt cọc hộ chiếu để thuê xe trượt nước hay xe máy. Bên cho thuê sau đó sẽ giả vờ xảy ra mất mát, khách du lịch đành phải báo mất hộ chiếu và tới Đại sứ quán làm lại. Tấm hộ chiếu cũ sau đó được bán lại cho xã hội đen.

Những chiếc hộ chiếu giả gây ra mối quan ngại lớn, có thể gây ra mối nguy hiểm an ninh nghiêm trọng. Khách hàng chính của loại “mặt hàng” này là những di dân bất hợp pháp, những kẻ lừa đảo, đối tượng cần trốn tránh pháp luật và cả các tổ chức tội phạm, trong đó có những kẻ khủng bố. 

Tháng 12-2010, lực lượng cảnh sát Thái Lan và Tây Ban Nha đã phối hợp mở một chiến dịch quốc tế nhằm phá vỡ một nhóm tội phạm làm hộ chiếu giả xuyên quốc gia. Trong các cuộc truy quét ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, 6 nghi phạm người Pakistan và 1 người Nigeria đã bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ. Theo nhà chức trách Thái Lan và Tây Ban Nha, các nghi phạm này có liên hệ với nhau trong một đường dây làm hộ chiếu giả xuyên quốc gia, đã từng cung cấp hộ chiếu giả cho nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba (LeT) có quan hệ với Al Qaeda. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lấy cắp các thông tin cá nhân, trong đó có cả hộ chiếu và gửi chúng tới Thái Lan để làm giả trước khi chuyển cho những nhóm khủng bố liên quan tới Al Qaeda ở Pakistan.

Tháng 6-2012, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan đã phá một đường dây buôn bán 3.000 hộ chiếu và thị thực giả trong 5 năm. Trong số đó có hai hộ chiếu giả được giao cho hai tên (người Iran) âm mưu đánh bom bất thành ở Bangkok nhằm sát hại các nhà ngoại giao Israel hồi tháng 2-2012.

Đến khi xảy ra thảm kịch mới lo… siết chặt

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tiết lộ 37.720 hộ chiếu của người Australia đã bị mất hoặc bị đánh cắp trong năm tài khóa 2012 - 2013. Phần lớn số hộ chiếu này (chiếm khoảng 75%) bị mất ngay trên lãnh thổ Australia. Số hộ chiếu Australia còn lại bị mất tại các điểm du lịch phổ biến như: Paris, Madrid, Rome, London, Los Angeles, Bangkok…

Chính hãng Malaysia Airlines vào năm 2012 từng bị an ninh hàng không New Zealand phạt vị đã sửa số hộ chiếu của một hành khách Malaysia để cho người này đến Auckland, dù đã có yêu cầu không cho hành khách này lên máy bay. Hãng hàng không Cathay Pacific   cũng từng bị phía New Zealand phạt tiền vì không cung cấp được thông tin của một người Nam Phi đáp chuyến bay đến Auckland thông qua cửa ngõ Hồng Kông.

Tổng thư ký Interpol là Ronald K. Noble nói: “Chúng tôi hy vọng trường hợp này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nhiều năm nay, Interpol luôn đặt ra câu hỏi tại sao các nước lại chờ khi xảy ra thảm kịch mới bắt đầu thắt chặt những biện pháp an ninh tại biên giới hoặc tại sân bay”. Và “Nếu Hãng Malaysia Airlines và tất cả các hãng hàng không khác trên toàn thế giới có thể kiểm tra chi tiết hộ chiếu của các hành khách dựa trên dữ liệu của Interpol thì lúc này đây chúng ta sẽ không phải suy đoán tới khả năng có kẻ khủng bố sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp trong sự việc chuyến bay MH370 mất tích”.