Lo gạo không xuất khẩu được, Bộ Công Thương kiến nghị mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với đặc thù 95% lúa gạo được vận chuyển bằng đường thủy nhưng luồng vận chuyển này hiện chưa được khơi thông, gây khó khăn cho việc thu mua, chế biến lúa gạo, Bộ Công Thương kiến nghị mở “luồng xanh” cho đường vận tải này.
Thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo hiện gặp nhiều khó khăn

Thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo hiện gặp nhiều khó khăn

Theo Bộ Công Thương, bên cạnh khó khăn ở khâu chế biến lúa gạo do các nhà máy phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc có F0 khiến đình trệ sản xuất, vận chuyển lúa gạo từ đồng ruộng tới nhà máy chế biến cũng nhiều vướng mắc.

Hiện nay, thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng. Người lao động làm hàng tại các cảng xuất khẩu cũng bị giảm rất nhiều.

Tại một số địa phương, tài công ghe thương lái hoặc tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuy nhiên giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ, không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL đi các cảng khu vực TP HCM.

Bên cạnh đó, hàng loạt các phương tiện vận tải biển phải tạm ngưng hoạt động.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn đối với các phương tiện chuyên chở hàng hóa liên tỉnh nhưng trên thực tế, các thương nhân phản ánh đường thủy nội địa vẫn chưa được áp dụng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ lẻ.

Với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông/bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ. Do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Để giải quyết khó khăn này, Bộ Công Thương vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 nhưng giải tỏa được ách tắc hiện nay.

Đồng thời, kiến nghị UBND các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo; trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án.

Hai phương án mà Bộ Công Thương đề xuất là: Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã… và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống/lên ghe.

Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã/huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.

Riêng khâu vận chuyển thóc/gạo giữa các nhà máy không đặt trong cùng một tỉnh hay từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều, chốt kiểm dịch trên các sông lớn tại các nơi giáp ranh cần bố trí cơ sở xét nghiệm đi kèm trong phạm vi gần nhất để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho tài công trong vận chuyển liên tỉnh thời gian dài.

Phương án 2: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe/sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.

Đối với phương án này, Bộ Công Thương đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo linh hoạt: Chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính với Covid-19 (PCR) khi phương tiện rời bến/bờ (điểm đầu) và suốt qua trình di chuyển trên sông được phép sử dụng giấy xác nhận xét nghiệm nhanh tại các chốt để qua chốt kế tiếp cũng như cập bến/bờ (điểm cuối) của lộ trình; Gửi nhân sự trực chốt đến tập huấn nhanh tại các cơ quan y tế có chức năng gần nhất để đáp ứng nhu cầu công tác.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa và một số giải pháp lâu dài khác nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 12-8, vụ Hè Thu tại các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 780 nghìn ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9-2021.

Tuy nhiên, do nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách xã hội nên hoạt động thu hoạch, thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Thời tiết tại các tỉnh phía Nam lại đang mưa nhiều nên việc lúa sau khi thu hoạch không được vận chuyển đến nơi sấy ngay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo và giá cả.

Giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 1-5 là 6.200 đồng/kg, ngày 1-6 là 5.800 đồng/kg, ngày 1-7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5-8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.

Để giải quyết vấn đề này, từ đầu tháng 8 đến nay, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã họp khẩn với các tỉnh ĐBSCL và kiến nghị 1 số giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu gạo.

Bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 3,492 triệu tấn, trị giá 1,888 tỷ USD, giá bình quân 540,68 USD/tấn; so với cùng kỳ năm 2020 về số lượng giảm 12,69%, về trị giá giảm 3,1% và giá bình quân tăng 53,5 USD/tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.