Lộ diện các ngân hàng lãi vượt 10.000 tỷ đồng, Vietcombank lấy lại “ngôi vương”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022 khi có tới 6 ngân hàng (không tính Agribank) có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Sau khi bị VPBank tạm thời vượt mặt trong quý I nhờ khoản thu nhập bất thường từ phí phân phối bảo hiểm, thì đến hết quý II, Vietcombank đã nhanh chóng lấy lại “ngôi vương”. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt tới 17.373 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 28% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý II, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã tăng gấp rưỡi lên 7.423 tỷ đồng với động lực tăng trưởng đến từ nhiều mảng. Trong khi thu nhập lãi thuần tăng khiêm tốn 15,3% thì các mảng dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, kinh doanh... đều tăng mạnh khoảng 50% trở lên.

Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng tới 14,6% so với đầu năm lên 1,1 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành. Vietcombank cũng gây chú ý khi nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 500%, cao nhất từ trước đến nay.

Lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022

Lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022

VPBank đã lùi về vị trí thứ hai với 15.300 tỷ đồng lãi trước thuế. Ngoài khoản thu nhập bất thường từ phí phân phối bảo hiểm trong quý I/2022, ngân hàng cũng có nhiều động lực tăng trưởng khác.

Cụ thể, tính tới cuối tháng 6/2022, tín dụng VPBank tăng gấp 3 cùng kỳ (tín dụng riêng ngân hàng mẹ tăng 14,3%); thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng. Đáng nói chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - một tỷ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay…

Techcombank tiếp tục đứng thứ 3 với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 14.100 tỷ đồng. Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính Ngân hàng, có thể thấy lợi nhuận lợi nhuận Techcombank phần nào đã có sự giảm tốc mạnh trong quý II/2022 (tăng trưởng chưa đầy 24% so với mức gần 72% cùng kỳ năm ngoái). Tăng trưởng lợi nhuận Ngân hàng này chủ yếu đến từ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro, trong khi lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi không tăng đáng kể.

Nguyên nhân một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm mạnh sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý. Trong đó, riêng lợi nhuận mảng chứng khoán đầu tư (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng này đã giảm gần 800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ.

Ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ và đứng vị trí thứ 4 là MB với 10.666 tỷ đồng, theo tiết lộ của ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng.

Hai “ông lớn” quốc doanh khác, dù chưa có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nhưng ước lợi nhuận cũng sẽ vượt 10.000 tỷ đồng, đó là VietinBank và BIDV. Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận quý II/2022 của BIDV là 5.500 tỷ đồng, của Vietinbank là 4.700 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của Vietinbank khoảng hơn 10.500 tỷ đồng và của BIDV là hơn 10.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ước có lợi nhuận tăng trưởng cao, như ACB với lợi nhuận trước thuế quý II là 5.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận nửa đầu năm lên 9.200 tỷ đồng. Đây mới là con số ước tính, việc ACB có lọt danh sách “câu lạc bộ” 10.000 tỷ hay không còn phải chờ báo cáo tài chính chính thức của nhà băng này.

Tiếp đến là 3 cái tên quen thuộc trong top 10, bao gồm SHB, HDBank và VIB. Trong đó, lợi nhuận của SHB 6 tháng đầu năm là 5.900 tỷ đồng, của VIB là 5.000 tỷ đồng, HDBank ước hơn 5.000 tỷ đồng.