"Lò" dạy nhạc đang bị thả nổi

ANTD.VN - Xã hội phát triển, nhu cầu học nhạc của người dân cũng gia tăng. Nắm bắt được xu thế này, các trung tâm đào tạo âm nhạc, các CLB dạy nhạc, hàng nghìn lớp dạy nhạc một thầy một trò thi nhau mọc lên. Số lượng, hình thức phong phú như vậy nhưng đáng nói là, chất lượng của mô hình xã hội hóa đào tạo âm nhạc hiện nay hoàn toàn  thả nổi theo thị trường…

Hoạt động dạy và học âm nhạc phải được siết lại để đảm bảo chất lượng

“Tự chủ” giáo trình

Sự nở rộ của các loại hình đào tạo âm nhạc ngoài công lập như trung tâm, CLB, lớp học một thầy một trò đã đáp ứng nhu cầu học nhạc của người dân, từ yêu thích cho đến học ra làm nghề. Chỉ cần lướt trên mạng với từ khóa “học thanh nhạc”, “học nhạc”… kết quả có đến cả vài trăm cơ sở dạy nhạc như trung tâm âm nhạc, trường âm nhạc, công ty truyền thông giải trí, học viện âm nhạc…

Bên cạnh đó còn có các lớp nhạc của nhà văn hóa các quận, nhà văn hóa thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, các lớp nhạc tư nhân. Nếu chỉ bàn về số lượng thì rõ ràng, xã hội hóa đào tạo âm nhạc hiện nay vô cùng phát triển.

Nhưng việc kiểm soát, quản lý các “lò” giảng dạy âm nhạc lại đang được thả nổi và chưa có một bộ phận quản lý của Nhà nước tham gia giám sát, thanh tra mô hình đào tạo âm nhạc ngoài công lập. Thế nên mới có chuyện, các trung tâm dạy nhạc, các lớp học dạy nhạc cá nhân đều “tự chủ” tối đa từ giáo trình, giáo viên đến hình thức, phương pháp sư phạm. 

Dù một số cơ sở dạy nhạc đã tham khảo giáo trình nước ngoài và biên soạn lại nhưng cũng có những nơi lại dạy và học không theo một giáo trình chuẩn. Hầu hết, giáo viên đều chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm âm nhạc.

Do vậy có nhiều trường hợp các em nhỏ đã theo học vài năm mà vẫn chưa chơi được một bản nhạc, thậm chí chưa thể tự đọc nốt nhạc. Người học đặt lòng tin vào tên tuổi của giảng viên, qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân và theo… quảng cáo.

Nhiều cơ sở không chỉ dạy nhạc mà còn kiêm luôn việc lăng xê thành ca sỹ. Vì vội vàng tin vào những lời quảng bá, chào mời của các trung tâm nên không ít chuyện khó tin về một ca sỹ mới nổi nhưng có hạn chế kiến thức về âm nhạc đã và đang xảy ra. 

Sẽ kiểm định giáo trình dạy nhạc?

Hậu quả của sự lộn xộn trong dạy và học âm nhạc không chuyên không dừng lại ở sự lãng phí thời gian, tiền của mà đôi khi còn đi xa hơn. Học âm nhạc ngoài việc mang tới niềm vui cho các em còn là nguồn phát hiện năng khiếu âm nhạc trong tương lai của các trường đào tạo chuyên nghiệp. Các tài năng được học một giáo trình không bài bản, với người thầy không đủ trình độ sư phạm sẽ rất khó bộc lộ được thiên hướng thực sự trong âm nhạc. 

Theo GS Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia: “Xã hội hóa giáo dục âm nhạc không có nghĩa Nhà nước thả nổi cho phát triển theo kinh tế thị trường, đẩy gánh nặng tài chính cho người học mà không quan tâm đến chất lượng giảng dạy. Trong mọi hoàn cảnh, Nhà nước vẫn phải quản lý, tạo hành lang pháp lý để xã hội hóa đào tạo âm nhạc có điều kiện phát triển”. 

Biện pháp đưa ra để quản lý chất lượng các “lò” đào tạo âm nhạc ngoài công lập đã được các đại biểu tham dự hội thảo “Xã hội hóa đào tạo âm nhạc” do Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày 24-8 tại Hà Nội kiến nghị.

Đó là thành lập các trung tâm kiểm định âm nhạc, huy động các lực lượng chuyên gia xây dựng, biên soạn các chương trình, giáo trình dạy nhạc, tham khảo các tổ chức, hiệp hội kiểm định âm nhạc của các nước phát triển như Thụy Điển, Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản… Hơn thế, sau thời gian để các trung tâm đào tạo âm nhạc tự phát “mọc lên”, các nhà quản lý cần thống nhất quan điểm nhìn nhận về mô hình xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc hiện nay.

Đó là xây dựng một mạng lưới các cơ sở dạy nhạc từ địa phương đến Trung ương, với sự quản lý của các tổ chức từ Nhà nước đến địa phương hay đúng hơn, từ hình thức, phương thức tổ chức hoạt động cho đến nội dung giảng dạy của mô hình xã hội hóa đào tạo âm nhạc cần có vai trò của Nhà nước.