Lo cho dân ăn Tết

ANTĐ - Những ngày cuối năm, trong bộn bề công việc mỗi người dân, cơ quan, đơn vị đều dành cho mình thời gian, tâm trí để lo cho cái Tết cổ truyền. Để có ngày Tết an toàn, từ nhiều tháng trước, các công việc thường xuyên như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh, trật tự, y tế… đã được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng an sinh xã hội, đảm bảo cho nhân dân đón Tết Tân Mão đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện  yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm đặc biệt trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm cũng sẽ tập trung đấu tranh với tội phạm buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết; các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngay từ đầu quý IV, các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm VSATTP, an toàn giao thông đã đồng loạt ra quân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra. Chỉ trong hơn 3 tháng đã có hàng nghìn vụ vi phạm như vận chuyển, chế biến thịt gia súc gia cầm mốc thối, không rõ nguồn gốc; các lò giết mổ gia súc gia cầm trái phép, không bảo đảm vệ sinh; bán các loại hàng không an toàn như pha màu công nghiệp vào thực phẩm, bán hàng đã quá hạn sử dụng, hàng nhái, hàng giả… đã bị phát hiện và ngăn chặn. Trên lĩnh vực giao thông, an ninh xã hội, phòng chống cháy nổ cũng đã có rất nhiều cố gắng, kịp thời phát hiện ngăn chặn hàng loạt băng nhóm tội phạm nguy hiểm; các vụ buôn bán pháo nổ trái phép; rà soát lại các phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phạt vi phạm hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông v.v…

Tuy nhiên những cố gắng trên chưa thể triệt tiêu được hầu hết các hiểm họa đang rình rập.

Thêm nữa, dịp Tết là dịp các hiểm họa về cháy nổ, giao thông, ngộ độc thực phẩm, trộm cắp, cướp giật, bài bạc, cùng nhiều tệ nạn xã hội khác sẽ gia tăng. Việc xét xử Lê Văn Luyện, thủ phạm gây ra vụ án mạng ghê rợn ở tiệm vàng Ngọc Bích  cũng như tình trạng xe ô tô, xe máy bốc cháy không rõ lý do đang làm nóng dư luận gần đây là những minh chứng về những tai họa bất ngờ có thể giáng xuống đầu nếu như không thường xuyên đề phòng.  Tình trạng mất an toàn trong dịp Tết còn tăng vọt do chính người dân. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, vào những ngày cận Tết thì số vụ cấp cứu do bệnh nhân say rượu vẫn điều khiển phương tiện giao thông; do ngộ độc thực phẩm; đâm chém nhau vì say xỉn tăng vọt, có năm gấp 3 lần lúc thường khiến hầu hết các bệnh viện trong thành phố ngày thường đã quá tải lại càng quá tải. Ngày Tết cũng là dịp nhiều hành vi phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức như cờ bạc, cầu cúng mê tín dị đoan, bói toán, chơi game quá đà, tụ tập chè chén lãng phí… có điều kiện diễn ra khi thời gian nghỉ quá dài khiến nhiều gia đình tan nát, khánh kiệt.

Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và  cả xã hội đã có rất nhiều cố gắng để mọi người dân, mọi nhà đều có một dịp Tết an toàn, tiết kiệm, thoải mái, phấn khởi nhưng những cố gắng đó là chưa đủ nếu mỗi người, mỗi gia đình không chủ động, tích cực lo cho mình một Tết vui tươi, đầy đủ và an toàn. Tết an toàn còn hơn cả sự đầy đủ vì không an toàn không chỉ mất vui mà còn mất Tết, mất sự bình yên trong suốt cả năm sau.

Việc lo cho dân có một cái Tết, an toàn với sự tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an là nòng cốt góp phần đem lại bình yên cho người dân trong những ngày trước, trong và sau Tết, đem lại một mùa Xuân an lành, vui tươi, hạnh phúc.