Lỗ chảy ngầm thành lãi

ANTĐ - Trước nghi vấn về chuyển giá, trốn thuế của một số tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, tại cuộc hội thảo về quản lý hoạt động chuyển giá vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Trưởng ban cải cách Tổng cục Thuế thừa nhận phạm vi và mức độ chuyển giá ở Việt Nam hiện nay khá phổ biến. Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, chuyển giá thuộc phạm vi kiểm tra thuế tổng quan, song việc kiểm tra sẽ không đủ chiều sâu cần thiết để phát hiện việc chuyển giá. Do đó sẽ hiệu quả hơn nếu có thủ tục kiểm tra và xử phạt riêng biệt.

Đây không phải là lần đầu công luận nói về hiện tưởng chuyển giá diễn ra ở nước ta. Tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đã lên tiếng cảnh báo hoạt động gian lận tinh vi này. Cho đến tận trung tuần tháng 12 vừa qua, dư luận mới thực sự sốc trước hai “đại gia” sừng sỏ trong lĩnh vực đồ uống và bán lẻ là Coca Cola và Metro, với doanh thu “khủng” liên tục tăng qua từng năm nhưng chưa hề đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Phải chăng họ thực sự làm ăn thua lỗ liên tục trong nhiều năm như đã từng khai báo  với cơ quan chức năng? Đằng sau câu chuyện này liệu có nghi vấn hành vi chuyển giá để qua mặt cơ quan thuế?

Theo số liệu của cơ quan thuế TP.HCM, từ khi thành lập năm 1994 đến nay, chưa năm nào Coca Cola khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Lũy kế đến nay, công ty này lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. “Bí quyết” để họ liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Lý do thua lỗ được Coca Cola giải trình với cơ quan thuế là “thu không đủ bù chi”. Một nghi vấn tương tự cũng đang nhắm vào Metro. Sau khi thành lập năm 2001, trong 11 năm hoạt động, tập đoàn bán lẻ Metro đã mở rộng tới 19 trung tâm mua bán trên khắp cả nước, nhưng đến nay Metro liên tục báo lỗ và cũng không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011, Metro khai lỗ 89 tỷ đồng, song họ đưa ra lý do thua lỗ kéo dài là vì phải tập trung mở rộng đầu tư.

Quả là một lý do hết sức kín kẽ nếu cơ quan chức năng hoặc dư luận đặt câu hỏi vì sao làm ăn thua lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư. Metro giải trình rằng, đến nay lỗ lũy kế 598 tỷ đồng, sau khi chuyển lỗ qua các năm thì năm 2012 số lỗ còn 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Trả lời câu hỏi liên tục thua lỗ như vậy thì vốn ở đâu để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, Coca Cola và Metro đều trả lời rằng hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay.

Câu chuyện lỗ thật hay lỗ giả, lỗ chảy ngầm thành lãi của những “đại gia” đa quốc gia đã từng năm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng. Tiếc thay, để đưa ra một kết luận cụ thể về các nghi vấn này lại không đơn giản. Tổng cục Thuế Việt Nam khẳng định không có chuyện cơ quan thuế bất lực và sắp tới sẽ vào cuộc thanh tra thuế không chỉ Coca Cola hay Metro.