Livestream "chống tham nhũng" trên mạng xã hội: Chớ "quá mù ra mưa"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua , hiện tượng người dân ghi hình và phát trực tiếp (livestream) lên mạng xã hội những hình ảnh từ hiện trường các vụ tai nạn, tranh chấp tài sản , nơi tiếp công dân … nhằm mục đích tố cáo cán bộ công chức, người thi hành công vụ diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh những trường hợp tố cáo đúng, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm cán bộ vi phạm thì còn không ít nội dung tố cáo sai sự thật.

Tố cáo tiêu cực hay tranh thủ quy kết, suy diễn?

Với danh nghĩa livestream để “cộng đồng mạng giám sát” việc thực thi công vụ của cán bộ tiếp công dân khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, có đối tượng lại lợi dụng việc này để tố cáo hết người này đến người khác, quy kết cho họ là tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, thậm chí tranh thủ công kích chính quyền nhưng hoàn toàn mang tính suy diễn thiếu căn cứ, vi phạm đời tư cá nhân, gây tác động tiêu cực tới dư luận và những người trong cuộc.

Trong khi đó, không ít người khi xem livestream không thận trọng, tỉnh táo để nhận định rõ đúng, sai mà còn hùa theo những đối tượng được coi là “gương sáng” trong chống tham nhũng, đưa ra những lời bình luận, chia sẻ mang tính một chiều gây ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Việc quay phim, livestream những vụ tai nạn cũng diễn ra khá phổ biến

Việc quay phim, livestream những vụ tai nạn cũng diễn ra khá phổ biến

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật không cấm sử dụng mạng xã hội, mạng xã hội cũng cho phép người dùng livestream bất cứ thời điểm nào.

Tuy vậy, việc lợi dụng livestream trên mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân, tổ chức gây thiệt hại cho các đối tượng này thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 16, Luật An ninh mạng nghiêm cấm việc đưa nội dung làm nhục, vu khống người khác; đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã có chế tài xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này...

Đừng "quá mù ra mưa"

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, nhằm hạn chế tình trạng trên, một số địa phương đã ban hành nội qui tiếp công dân, trong đó không cho phép người dân quay phim, chụp hình khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân.

Qui định này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng, công dân có quyền giám sát cán bộ thực thi công vụ nhưng cán bộ cũng có quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân. Công dân không thể tự do làm điều mình muốn khi quyền ấy lại xâm phạm đến quyền cá nhân của người khác... Người khác lại cho rằng, nếu phải xin phép cán bộ tiếp dân mới được ghi hình, chụp hình sẽ làm hạn chế quyền giám sát của người dân..

Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do nhân thân thông tin cá nhân được bảo đảm. Mọi việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được cá nhân đồng ý, cho phép. Với cán bộ Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, họ phục vụ nhân dân song họ cũng có quyền nhân thân. Người dân có quyền giám sát nhưng đừng "quá mù ra mưa", phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ của cán bộ và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Mặt khác, những trường hợp khi đưa thông tin tố cáo tham nhũng, tiêu cực cần có bằng chứng rõ ràng. Chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận người đó có tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật hay không. Khi chưa có kết luận cuối cùng, người dân không được phát ngôn qui chụp, kết tội người khác.

“Để giải quyết tình trạng trên, pháp luật cần quy định cụ thể rõ ràng quyền và giới hạn quyền công dân trong việc ghi âm, ghi hình. Cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ cũng cần nhận thức vị trí chức vụ quyền hạn của mình, tránh lạm quyền lộng quyền. Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cần hiểu rõ quy định, kiến thức pháp luật không nên biến mạng xã hội thành công cụ tấn công người khác” – Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.