Livestream bán hàng không rõ nguồn gốc: Bị xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Covid-19 khiến các giao dịch truyền thống giảm, các giao dịch thương mại điện tử bùng nổ. Tuy nhiên lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng đã lập các tài khoản facebook, zalo quảng cáo, livestream (phát sóng trực tiếp) hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém lừa đảo người tiêu dùng.

Phát hiện hàng loạt vi phạm

Ngày 22/6, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương đã phát hiện mạng lưới 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và Hưng Yên gồm 40 tấn hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang... không rõ nguồn gốc được các đối tượng livestream, bán trên địa bàn Hưng Yên và Hà Nội.

Điển hình, kiểm tra kho chứa hàng không tên ở ngõ 691 đường Bát Khối, quận Long Biên, Hà Nội do ông Bùi Quyết Thắng làm chủ, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, trị giá gần 400 triệu đồng.

Tại địa chỉ Shop Thủy Top, 455A Bát Khối có đầy đủ các dụng cụ phục vụ livestreams (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Tại địa chỉ Shop Thủy Top, 455A Bát Khối có đầy đủ các dụng cụ phục vụ livestreams (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Tại “Shop Thủy Top” ở địa chỉ 455A Bát Khối, Long Biên, Hà Nội cũng thuộc sở hữu của ông Bùi Quyết Thắng, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV,... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lô hàng có trị giá 60 triệu đồng. Cửa hàng này cũng có đủ các dụng cụ phục vụ livestream.

Nhân viên cho biết chương trình livestream tại cửa hàng được thực hiện vào buổi tối. Khai thác thêm, lực lượng chức năng được biết, phần lớn hàng hóa được cơ sở kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu là Facebook có tên “Thủy Top Rẻ và Đẹp” và “Shop thủy top”.

Hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện

Hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện

Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cũng vừa ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật gồm 3.000 sản phẩm quần áo các loại đối với Công ty TNHH thương mại TPX (tại 150 Cầu Đông, phường Lộc Vượng, TP Nam Định) cất giữ nhiều sản phẩm quần áo không có chứng từ hóa đơn.

Chủ công ty là Trần Phú Xuân, có địa chỉ thường trú tại 150 Cầu Đông, phường Lộc Vượng, TP Nam Định nhưng hiện đang sinh sống, lao động tại Nhật Bản. Công ty TNHH thương mại TPX bán hàng bằng hình thức livestream qua facebook Xuân Shop Việt Nhật.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng Công ty TNHH thương mại TPX (Nam Định)

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng Công ty TNHH thương mại TPX (Nam Định)

Ngoài ra cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt các vụ vi phạm bán hàng bằng hình thức livestream khác. Vậy những người bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua livestream sẽ bị xử lý thế nào?

Chế tài đã đủ sức răn đe?

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Văn phòng luật Thanh Hà và cộng sự , Nghị định 98/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 17 của Nghị định quy định các mức xử phạt tương ứng đối các hành vi vi phạm. Theo đó, trường hợp người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng. Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Trường hợp hàng hóa vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế thì mức phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định nêu trên.