Linh hoạt trong điều chỉnh giãn cách để sản xuất và phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã gần 5 tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27-4), Việt Nam đang trong cuộc chiến quyết liệt với đại dịch Covid-19 và biến thể mới nguy hiểm Delta. Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng các địa phương đều có những điều chỉnh tăng cường hay nới lỏng giãn cánh theo phương thức linh hoạt, tùy thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn.
TP Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng phương án “4 xanh” và “3 tại chỗ” để khôi phục sản xuất ở các khu công nghiệp, chế xuất

TP Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng phương án “4 xanh” và “3 tại chỗ” để khôi phục sản xuất ở các khu công nghiệp, chế xuất

Thích ứng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Phát biểu kết luận cuộc họp sáng 23-9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi; cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”. Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác phòng chống dịch phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, phải có trọng tâm, trọng điểm...

Những số liệu thống kê mà Bộ Y tế công bố ngày 23-9 cho thấy những điều chỉnh trong chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam đã đem lại kết quả tích cực trên thực tiễn. Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới giảm 10,6% so với tuần trước, số tử vong giảm 15,8 %. Riêng số tử vong của TP.HCM giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%. Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát. Chỉ trong vòng 1 tháng, đã có hơn 300.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, gấp 2 lần tổng số ca điều trị khỏi trong các giai đoạn trước.

Những chuyển biến tích cực đó đã giúp cho các địa phương điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội một cách linh hoạt, ở mức độ khác nhau. Về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như việc tập trung đông người, khoảng cách an toàn tối thiểu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh, vận tải… Thủ tướng Chính phủ đã có một loạt các chỉ thị, như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19. Trong đó, Chỉ thị 16 là văn bản thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp “cách ly toàn xã hội”. Tuy nhiên, mỗi địa phương đều có những kinh nghiệm và kết quả riêng trong việc áp dụng.

Hà Nội từng thực hiện giãn cách trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để hình thành các lớp ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo 3 phân vùng. Trong khi vùng 1 (vùng nội đô) áp dụng Chỉ thị 16 siết chặt giãn cách, thì vùng 2 (phía Bắc và Đông sông Hồng) và vùng 3 (phía Tây và Nam thành phố) áp dụng Chỉ thị 15 để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn. Nhờ đó, thành phố có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, những khu vực có nguy cơ cao là vùng 1.

Hồi cuối tháng 8-2021, Bạc Liêu và Cà Mau đều nới lỏng giãn cách khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 15, nhưng những hạn chế được áp dụng lại khác nhau, phụ thuộc vào nguy cơ dịch bệnh ở từng địa phương. Cùng nới lỏng giãn cách nhưng tiệm cắt tóc ở Bạc Liêu được hoạt động, còn ở Cà Mau thì vẫn tiếp tục tạm ngưng. Trong khi Cà Mau khuyến cáo người dân hạn chế đi chợ nhưng không xét phiếu ra đường, thì Bạc Liêu quy định vẫn cấp giấy đi chợ.

Tỉnh Hậu Giang lại áp dụng nguyên tắc “nới lỏng bên trong, siết chặt bên ngoài” với các địa bàn đã thiết lập “vùng xanh”. “Vùng xanh” được bảo vệ nghiêm ngặt, việc ra vào được kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong địa bàn “vùng xanh”, mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, trừ các hoạt động không thiết yếu; các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại khi đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Mở tới đâu phải bảo đảm an toàn tới đó

Áp dụng chỉ thị nào của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh mức độ giãn cách ra sao, siết chặt hay nới lỏng đến mức nào để đem lại hiệu quả nhất chính là năng lực vận dụng ở từng địa phương. Mỗi nơi một cách vận dụng nhưng đều với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn dịch bệnh nhưng phải làm sao phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Có một thực tế là thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Vì thế, đạt “zero Covid” là điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Ai cũng mong chờ cuộc sống bình thường mới nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta coi Covid-19 như “phần tất yếu” của thế giới. Virus này sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Cả thế giới đang học cách chung sống với dịch bệnh và Việt Nam cũng phải vậy. Giãn cách xã hội mà chúng ta đang áp dụng là phương pháp, biện pháp mang tính giai đoạn chứ không thể kéo dài mãi. Nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong. Cần phải chấp nhận số ca nhiễm ở chừng mực nhất định, miễn là không đi kèm số ca bệnh nặng và tử vong tăng theo.

Qua thực tiễn chống dịch gần 2 năm qua, từ kinh nghiệm quốc tế và phân tích của các chuyên gia, Việt Nam đang xây dựng hướng dẫn để phòng chống dịch có hiệu quả và nhanh chóng khôi phục phát kinh tế xã hội, với tinh thần nâng cao tính tự quản và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Quan trọng là mở cửa tới đâu cần phải đảm bảo an toàn dịch tễ tới đó; không an toàn dịch tễ thì không mở. Muốn “sống chung” với virus SARS-CoV-2 phải có những điều kiện cần thiết bởi nếu không, xã hội phải trả giá bằng mạng người và hệ thống y tế quá tải.

Vì thế, nới lỏng giãn cách xã hội phải được cân nhắc, tính toán một cách thận trọng. Để nới lỏng một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần phải có lộ trình phù hợp và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh, theo nguyên tắc nới lỏng mà không lơi lỏng. Với người dân, giãn cách được nới lỏng thì vẫn cần siết chặt ý thức phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người cần thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, tiêm vaccine và tự giác tuân thủ các biện pháp, yêu cầu phòng, chống dịch. Kinh nghiệm từ sự chủ quan, lơ là của một vài cá nhân đã gây ra những đợt lây lan dịch bệnh kéo dài là bài học để mọi người nhận ra rằng, nếu không có ý thức phòng, chống dịch bệnh thì chúng ta cứ mãi phải chạy theo dịch bệnh, tốn kém và mệt mỏi. Mỗi người hãy chung sức, chung lòng, chung ý chí để hướng tới cuộc sống bình thường mới.