Linh hoạt giải quyết nhu cầu để xe

ANTĐ - Một tuần thực hiện giải tỏa 262 tuyến phố theo quyết định của UBND TP Hà Nội, đường thông, hè thoáng hơn. Song, hầu hết các quận đều cho rằng, cần phải bố trí sớm chỗ để xe thay thế cũng như xem xét lại cho phép đỗ xe trên vỉa hè ở một số tuyến phố để đảm bảo an sinh, cuộc sống của người dân.

Nên sớm tổ chức các điểm đỗ thay thế cho người dân

“Nóng” hậu giải tỏa

Sau một tuần dẹp các điểm trông giữ xe lòng đường, hè phố trên 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, đường phố đã thông thoáng hơn, ùn tắc trên các tuyến phố này cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, khó khăn đã phát sinh trong khi thực hiện và hậu giải tỏa. Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, Hoàn Kiếm là quận “nóng” nhất về vỉa hè. Toàn quận có 76 tuyến phố nằm trong diện phải “dẹp” thì có đến 57 tuyến cấm trông giữ xe cả lòng đường và vỉa hè.

Trong khi đó, đây cũng là địa bàn có mật độ dân cư kinh doanh đông đúc nhất. Ngoài ra, hàng ngày, còn một lượng lớn dân cư từ nơi khác đến mua bán nhưng lại chưa bố trí được chỗ để xe cho người dân. “Nếu để phương tiện tận khu vực Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật để đi vào khu Hàng Ngang, Hàng Đào mua bán thì quá xa, trong khi, không có phương tiện di chuyển thay thế vào khu vực này”. Do đó, cơ quan chức năng nên sớm bố trí chỗ đỗ xe hợp lý cho người dân để đảm bảo việc kinh doanh của người dân không bị ảnh hưởng. Thượng tá Phạm Văn Thời đề xuất, tại một số tuyến phố mật độ đi lại không đông  đúc, có thể xem xét cho trông giữ xe, gồm cả những tuyến phố có vỉa hè dưới 3m.

Quận Hai Bà Trưng dù lượng phố nằm trong diện cấm ít hơn nhưng cũng đã nảy sinh một số bất cập hậu giải tỏa. Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, Thượng tá Nguyễn Việt Cường cho rằng, việc giải tỏa đã giúp đường thông, hè thoáng hơn như khu vực xung quanh BV Mắt Trung ương. Tuy nhiên, TP cũng cần sớm xem xét bố trí những khu vực đỗ xe thay thế khác cho người dân, nếu không sẽ sớm nảy sinh những điểm trông giữ xe tự phát với giá cao, khi đó, sẽ còn khó quản lý hơn. Không những vậy, bị cấm đỗ ở những tuyến phố chính, đã xuất hiện tình trạng, xe đi vào ngõ ngách để gửi. “Những tuyến phố ngang có vỉa hè rộng, lưu lượng giao thông ít có thể giao cho các phường tính toán, bố trí chỗ đỗ xe cho người dân trong khu vực”, Thượng tá Nguyễn Việt Cường nói.

Giải quyết trong thời gian sớm nhất

Ngoài những vấn đề trên, việc xử lý các xe ô tô dừng đỗ sai phép cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thiếu hợp tác của các chủ phương tiện. Theo Thượng tá Nguyễn Việt Cường, vào buổi tối và sáng sớm, khi lực lượng chưa đi kiểm tra, tình trạng dừng đỗ trên các tuyến phố cấm rất phổ biến. Song, việc xử lý rất mất thời gian, để gọi được xe cẩu đến cưỡng chế cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ.

Trước kiến nghị cần giải quyết, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc lập lại trật tự kỷ cương ở 262 tuyến phố đã giúp đường thông, hè thoáng hơn. “Giải tỏa trả lại đúng chức năng lòng đường cho xe cộ, vỉa hè cho người đi bộ song cũng phải đảm bảo đời sống, phát triển kinh tế của nhân dân. Do đó, liên ngành CATP - GTVT sẽ xem xét các khó khăn, tồn tại để báo cáo TP giải quyết sớm nhất”.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định, 56 tuyến phố cấm theo QĐ 2053 của UBND TP sẽ  tuyệt đối cấm kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe, bởi đây là những tuyến phố góp phần làm nên bộ mặt khang trang cho  Thủ đô. Còn tại 262 tuyến phố theo QĐ mới cũng sẽ không cấp phép cho các điểm trông giữ xe thu tiền. Để giải quyết nhu cầu điểm đỗ cho người dân, trước mắt, ông Hùng cho biết sẽ trình UBND TP áp dụng Thông tư 04 của Bộ Xây dựng, cho phép đỗ xe ở những tuyến phố có vỉa hè rộng, đỗ xe nhưng vẫn đảm bảo vỉa hè tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Ngoài ra, trong bối cảnh thiếu chỗ để xe mà việc quy hoạch những bãi để xe hiện đại, tập trung, cao tầng không phải một sớm một chiều có thể làm được, nên huy động toàn dân vào cuộc. Những đơn vị, cơ quan nào có điểm trông giữ xe có thể đăng ký với chính quyền cơ sở, song, phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. “Liên ngành CATP - GTVT đã trình UBND TP xem xét trong thời gian sớm nhất giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vì đây là nhu cầu chính đáng. Có thể xem xét, trong 262 tuyến phố, tuyến nào có vỉa hè rộng, lưu lượng giao thông ít sẽ cho phép đỗ xe trên vỉa hè”, ông Hùng cho biết.

“Đỗ xe cũng là nhu cầu bức thiết!”

“Lòng đường dành cho phương tiện cơ giới, vỉa hè dành cho người đi  bộ là đúng chức năng. Bấy lâu, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Thủ đô bị lấn chiếm quá nhiều, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, người đi bộ không còn đường. Tôi cho rằng, TP quyết tâm giải tỏa 262 tuyến phố là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần giải quyết, thứ nhất, giải tỏa xong rồi phải chống tái lấn chiếm trở lại, không đánh trống bỏ dùi; thứ hai, phải sớm tổ chức chỗ đỗ xe thuận tiện cho người dân, vì đây là nhu cầu bức thiết”.

Anh Trần Đình Tùng, Khu tập thể ĐH Kinh tế quốc dân, Hai Bà Trưng

“Kể từ khi thực hiện cấm trông giữ xe ở lòng đường trên tuyến phố này, việc kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt. Khu vực phố cổ hầu hết là buôn bán, lượng người ra vào đông, cấm không cho đỗ xe thành ra những hộ buôn bán nhỏ như chúng tôi khổ sở vì mất khách. Hơn nữa, quy định của ngành GTVT cũng không rõ ràng, chỉ cấm hoạt động trông giữ xe hay là cấm cả việc đỗ xe. Như nhà tôi có xe, tôi đỗ ở vỉa hè, trước cửa như vậy là có phạm luật, có bị phạt không? Tôi mong TP sớm xem xét tháo gỡ để việc kinh doanh của người dân đảm bảo trở lại”.

Chị Nguyễn Khánh Ly, kinh doanh quần áo trên phố Hàng Ngang