“Liều thuốc” trợ lực

ANTĐ - Cùng với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, năm 2012 cũng được Chính phủ xác định là năm bản lề của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết không kém gì so với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, vì có tái cơ cấu mới đảm bảo tăng tính hiệu quả, tính linh hoạt, sức cạnh tranh của nền kinh tế và ổn định vĩ mô trong dài hạn, tránh tình trạng năm nào cũng ám ảnh nỗi lo lạm phát. Hiện có những ý kiến bày tỏ lo ngại việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nếu không quyết liệt thì vẫn giậm chân tại chỗ hoặc chỉ “nhúc nhích” đôi chút như đã diễn ra trong những năm qua.

Chủ tịch Quỹ Đầu tư và Quản trị tài chính Cerberus (Mỹ) nhận xét, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu là vấn đề hiệu quả. Hiệu quả ở việc sử dụng hợp lý nguồn nhân lực hiện có. Mỗi người lao động hiệu quả sẽ làm tăng hiệu quả của doanh nghiệp. Ông Chủ tịch Quỹ cho rằng, thu nhập của người dân Việt Nam có thể tăng lên rất nhiều lần so với 1.000USD/người hiện nay nếu biết đầu tư cho nguồn nhân lực tốt. Tạo ra nhiều việc làm không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng tốt thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng theo. Điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất và khi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sẽ làm tăng trưởng nền kinh tế. Đó là vòng tuần hoàn khép kín.

Trong bối cảnh doanh nghiệp giải thể, phá sản trong năm 2011 lên đến mức “giật mình”, các doanh nghiệp sẽ xoay xở tái cấu trúc như thế nào? Ông Chủ tịch Quỹ cho rằng, không có sự lựa chọn nào khác là phải tận dụng khôn ngoan thời cơ, ứng phó linh hoạt với rủi ro. Trước hết phải trụ vững, sau đó tính đến chuyện phát triển. Có những ý kiến cho rằng, sự giải thể, phá sản của doanh nghiệp lại chính là cơ hội để tái cơ cấu doanh nghiệp. Một ủy viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ không đồng tình với nhận định này. Khi số doanh nghiệp bị giải thể hay phá sản lên tới hàng chục nghìn thì khó có thể coi đó là cơ hội tốt để thực hiện việc gì, kể cả tái cơ cấu. Bởi vì bản chất của tái cơ cấu là sắp xếp lại doanh nghiệp sao cho hợp lý hơn, hiệu quả hơn, chứ không phải là xóa sổ một cách “thẳng tay” càng nhiều càng tốt. Không nên quên rằng, sự “ra đi” của những doanh nghiệp đó, có nguyên nhân chủ yếu là chịu ảnh hưởng nặng nề từ những “đòn giáng” của lạm phát.

Chẳng hạn trong năm 2011 chỉ có 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, 30% tiếp cận được vốn nhưng phải vượt qua rất nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê và hơn 30% không “chạm” tới nguồn vốn, vì thế sản xuất kinh doanh đình trệ, dự án “đóng băng”. Theo ý kiến của ông ủy viên Ủy ban, nếu năm nay, tình trạng này không được cải thiện thì khả năng số lượng doanh nghiệp sẽ chịu chung số phận bi đát còn tiếp tục gia tăng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ngay cả hàng chục nghìn doanh nghiệp đã bị giải thể, phá sản thì cũng là quy luật đào thải tự nhiên mất đi và sinh ra. Mới đây đã có khoảng vài chục nghìn doanh nghiệp mới được cấp phép ra đời.

Thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hơn lúc nào hết rất cần “bàn tay” của Nhà nước hỗ trợ như giảm thuế, hoãn thuế, tín dụng ưu đãi; giảm bớt các khâu thủ tục hành chính nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đây chính là liều thuốc bổ trợ lực đúng lúc, kịp thời giúp doanh nghiệp đứng vững và vươn lên tạo tiền đề để tái cấu trúc.

Tin cùng chuyên mục