Liệu pháp tâm lý của ông Miura

ANTĐ - Khác với những người tiền nhiệm, HLV Miura không chọn người đeo băng đội trưởng ở ngày đầu tập trung mà chỉ thực hiện thủ tục này khi lên đường đá giải chính thức. Khoảng thời gian trước đó, các tuyển thủ được ông thầy người Nhật đảm bảo công bằng về quyền lợi lẫn cơ hội.

Sáng qua 8-5, cánh phóng viên đã "chắc mẩm" về chủ nhân tấm băng đội trưởng U23 Việt Nam khi thấy Quế Ngọc Hải đi cùng HLV Miura dự buổi họp báo trước trận giao hữu gặp U23 Hàn Quốc. Bởi thường ở những buổi họp như vậy, chỉ có đội trưởng đội bóng mới được tham dự. Thế nhưng, câu trả lời từ HLV Miura lại không phải như vậy: "Không. Quế Ngọc Hải chưa phải đội trưởng. Tôi sẽ chỉ trao băng đội trưởng cho ai xứng đáng, vào trước ngày lên đường dự SEA Games 28".

Băng đội trưởng thường được giao cho người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt mà cả uy tín với phần còn lại của đội bóng. Xét trên những tiêu chí này, nếu Quế Ngọc Hải được tín nhiệm cũng là điều hợp lý, bởi tại vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3, hậu vệ xứ Nghệ này cũng đảm nhiệm rất tốt vai trò thủ lĩnh đội tuyển.

Thế nhưng, HLV Miura có cái lý của riêng mình. Ít nhất thì với việc lùi thời gian "chấm" đội trưởng, ông thầy người Nhật khiến cầu thủ cảm thấy cơ hội vẫn đang được chia đều, từ đó nỗ lực để phấn đấu. Đặc biệt với người được "nhắm chọn" sẽ càng phải nỗ lực hơn để khẳng định mình xứng đáng, để không bị đồng đội "soán ngôi" và cũng để xóa đi cái tâm lý đủng đỉnh, rằng đã nhận băng đội trưởng là coi như chắc suất dự giải. Ở góc độ này, cách làm của ông Miura như một liệu pháp kích thích sự nỗ lực của mọi thành viên đội tuyển.

Liệu pháp tâm lý của ông Miura ảnh 1Bỏ ngỏ danh tính chủ nhân băng đội trưởng U23 Việt Nam là cách để HLV Miura kích thích sự nỗ lực, cạnh tranh lành mạnh giữa các tuyển thủ trong tập luyện

Cũng ở buổi họp báo trước trận gặp U23 Hàn Quốc, ông Miura phủ nhận việc 7 cầu thủ U23 được tăng cường lên ĐTQG ở các ngày tập 7 và 8-5 (gồm Công Phượng, Minh Tùng, Huy Toàn, Phi Sơn, Tuấn Tài, Hoàng Lâm, Phúc Tịnh) đã chắc suất đá trận ra quân vòng loại World Cup 2018. Ông nói: "Việc tăng cường chỉ nhằm phục vụ cho mục đích tập luyện chiến thuật của ĐTQG. Chưa cầu thủ U23 nào chắc suất sang Thái Lan cả".

Điều này cũng như một lời nhắn nhủ với các học trò trẻ, rằng cần phải cố gắng, cố gắng không ngừng mới mong có cơ hội thi đấu ở giải chính thức. Lời phủ nhận đó cũng gián tiếp mở ra cơ hội cho 23 cái tên còn lại, những người có thể sẽ được tăng cường thử nghiệm và có cơ hội khoác tấm áo ĐTQG đá trận đấu bản lề ở vòng loại World Cup với "kình địch" Thái Lan.

Ngoài 2 dẫn chứng trên, những việc HLV Miura đã áp dụng như xếp cầu thủ ở cùng phòng với các đồng đội từ lò đào tạo khác tạo sự hòa nhập, gắn kết; cho học trò tùy ý làm điều mình thích ở các ngày xả trại để xả stress, hay đặt ra quy chế ngặt nghèo với giới truyền thông nhằm tránh cầu thủ phân tâm... đều như những liệu pháp tâm lý có lợi cho học trò. Ở một môi trường được ông thầy đảm bảo tính công bằng và chia đều cơ hội, sự nỗ lực, cạnh tranh lành mạnh giữa cầu thủ sẽ là sợi chỉ hồng xuyên suốt hành trình chinh phục những thử thách.