Gia tăng rối loạn tâm thần (2)

Liệu pháp chữa trị - Tình thương

ANTĐ - “Sức khỏe tâm thần (SKTT) là sự cân bằng hòa hợp giữa bản thân với những người thân và môi trường xã hội”.

CTV truyền thông tại gia đình bệnh nhân


Phải dựa vào cộng đồng

Tỉ lệ TC là tương đối cao trong các bệnh RLTT, trong đó khoảng 70% BN TC có ý định tự sát. Một số bệnh nhân bị TC sau khi đột quỵ. Ngược lại, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường ĐH Y tế Cộng đồng thuộc ĐH Harvard (Mỹ) lại cho thấy TC cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên phân tích, tổng hợp từ 28 nghiên cứu khác với hơn 300.000 người tham gia sau một thời gian dài theo dõi từ 2-9 năm cho thấy, những người TC tăng 45% nguy cơ bị một loại đột quỵ nào đó và 55% nguy cơ tử vong do những đột quỵ này.

Dự án của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN (VVAF) quan niệm phải dựa vào cộng đồng, trước hết là những người thân trong gia đình. Vì đó là những người thân nhất của bệnh nhân, có điều kiện quan sát, theo dõi mọi diễn biến tâm lý, hành vi của BN, đưa ra những lời khuyên, lý giải kịp thời, giúp BN vượt qua được những cú sốc nhanh nhất. Vì vậy các thầy thuốc, CTV còn mời cả người thân BN đến dự những buổi tư vấn tâm lý để họ biết cách điều trị cho BN.

Có lẽ TTYT Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, Đà Nẵng) sẽ là nơi điều trị cho BN TC đầu tiên có phòng khám và điều trị đa khoa với khá đầy đủ máy móc thiết bị y học hiện đại như máy chiếu, chụp Xquang, siêu âm, điện tim… Điều đặc biệt là trong khi các TTYT phường xã trong cả nước chỉ đảm trách việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm phòng dịch… thì với các máy móc thiết bị ấy, phòng khám này sẽ đảm trách cả việc khám, chữa bệnh không khác gì một BV quận huyện.

Tất cả bác sỹ đều làm việc tự nguyện, tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị đều được miễn phí. Phòng khám này do chi hội từ thiện quận Hải Châu chủ trương nhờ vào lòng nhân nghĩa và tài vận động của sư thầy Nghĩa, mới 40 tuổi, trụ trì chùa Vu Lan trong thành phố nên nó có tên là phòng khám từ thiện.

Tuy vậy, phòng khám này sẽ hoạt động… không phép… Không ai, không cấp nào dám cấp phép hoạt động cho nó, vì hiện tại, nó trái với tất cả các quy định hiện hành của ngành y tế. Mặc dù từ quận phường đến thành phố đều ủng hộ và quyết định cho phòng khám này sử dụng toàn bộ tầng hai rộng hơn 200m2 của TTYT này làm nơi hoạt động, với suy nghĩ, việc nghĩa, lợi dân thì cứ làm. Chỉ có thể dựa vào chủ trương của Bộ Y tế, là đưa bác sĩ tuyến trên về tăng cường cho cơ sở.

Mái ấm của các bệnh nhân

PGĐ BVTT Đà Nẵng, Trần Văn Mau đưa tôi lòng vòng qua hai dãy nhà, một căn phòng làm việc của các nhân viên, mới tới nơi oang oang tiếng hát. Gần 30 BN ngồi trên ghế nhựa, lộn xộn trong phòng “… Một màu xanh xanh, chấm thêm màu vàng…” Ca khúc Sắc màu được hát… tự do. Cao độ, trường độ không chuẩn lắm nhưng mọi người đều hướng lên màn hình karaoke. Không ra thích thú, không ra chăm chú. Hình như nét mặt của các BNTT đều ít biểu lộ cảm xúc…. “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta…” giọng người này khỏe, vang, khá chuẩn, nhưng gương mặt không nhập gì với ca từ của bản Tình ca nổi tiếng. Một người xin thuốc, lần đầu tiên tôi ngại ngùng vì mình không hút thuốc.

Y sĩ Nguyễn Thị Thương, điều dưỡng viên 38 tuổi, ghé tai tôi nói to, anh đã cho là phải cho tất cả mấy chục người đấy. Nhìn vào đôi mắt nâu tròn to trên gương mặt hồng hào tự nhiên rất đẹp của chị, tôi cũng ghé tai chị nói to: Họ có hay… “quậy” không? - Nhiều chứ. Có người cứ đòi nắm cổ tay em mới chịu ăn. Y sĩ Nguyễn Thị Hồng một lần để BN đi sau, mình đi trước, sai lầm nghề nghiệp ấy lập tức dẫn đến hậu quả. Bệnh nhân vớ hòn gạch choảng vào đầu. BS Trần Đình Thông, GĐ đầu tiên của BV cũng thường bị BN lừa đập vào đầu.

Vậy mà con gái ông, BS Hải Vân vẫn theo nghề bố. Mẹ chị Nguyễn Thị Thương - bà Huỳnh Thị Duyên trước cũng làm ở đây. Làm điều dưỡng đã vất vả, điều dưỡng BVTT càng vất vả hơn, khó hơn vì đã vào đây, đều là người TTPL, lúc thì hiền lành như đất, ngoan như trẻ thơ, khéo dỗ dành, khéo làm trò hề là họ nghe. Lúc lên cơn thì chả biết thế nào. Sau khi lên cơn, họ mất tất cả thói quen sinh hoạt bình thường, các anh chị ở khoa phục hồi chức năng phải tập cho họ tự phục vụ mình, quét nhà, quét sân, rửa bát… đấy là liệu pháp hoạt động, chứ không phải là lao động cải tạo như trong trại giam. Gần đây mới có khoa Pháp y và nghiện chất. Các BS, điều dưỡng viên phải rất cẩn thận đề phòng họ tấn công. Công an họ còn chém, cha mẹ họ còn đâm thì còn biết sợ ai. Nhìn các bà mẹ bế con chậm phát triển TT ở khoa Trẻ em mới thương. Nuôi các cháu ấy là nuôi con mọn suốt đời.

Phục vụ 1.833 BN TTPL, 1.633 BN ĐK, gồm cả nội, ngoại trú, là những thầy thuốc tuyệt vời. Tôi thật sự cảm phục họ, BS Lê Thị Thu Nga, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, BS Lê Đình Đại, Trưởng khoa Khám bệnh mà tôi đã gặp… Yêu nghề với những con người này là một sự hi sinh, một phẩm chất đáng kính. Công việc vừa nguy hiểm vừa không có thu nhập gì thêm, cũng không làm được ngoài giờ như các chuyên môn khác. BS Võ Hữu Nghị cho tôi xem cuốn sổ tay ghi 99 câu chuyện có thật về các BN TTPL anh đã ghi lại trong 34 năm làm nghề. BS Lê Đình Đại đã từng có một chùm 9 truyện ngắn trên báo Nhân dân, chủ yếu nói về BN của mình. Đấy là những chuyện có thật được anh nhặt nhạnh, gọt giũa thành những đoạn văn ngắn cảm động, cho người đọc cái nhìn nhân ái về những con người ngoài những lúc lên cơn, vẫn rất đáng trọng, đáng yêu. Anh Đinh Thái Sơn còn ghi âm được bài Tình lan tím do một BN đọc, nghe cũng rưng rưng nỗi niềm.

ThS, BS PGĐ BV TT Khánh Hoà Đinh Thị Hoan, người Hà Nội, cùng các cộng sự giới thiệu những nét khái quát về BV. Nhưng chúng tôi thì nóng lòng muốn xuống ngay bếp ăn tình thương (có từ ngày 19-8-2003) và thăm BN. Bếp ăn tình thương khá tươm tất. Mỗi suất ăn được đựng trong cặp lồng nhựa, dưới là cơm (gạo rất ngon), ngăn trên là dưa leo xào và thịt lợn rang và một ca canh mướp đắng. Tất nhiên là không sang rồi, nhưng cũng tạm đủ cả lượng và chất. Những người không có bảo hiểm y tế, những người gia đình không ai thăm nuôi đuợc ăn miễn phí bữa cơm 17 nghìn đồng/ngày này. Chị Hoan nói với tôi, không thực sự thương họ, không dũng cảm, không tâm huyết thì không làm được nghề này. “26 năm làm nghề em không hề ân hận, em đã phải khóc không chỉ một lần vì ngày Tết mà có gia đình cũng không chịu đến đón người nhà về sum họp”.