Liên tiếp xảy tai nạn xe khách liên tỉnh: Nơm nớp mối lo xe giường nằm

ANTĐ -  Thời gian gần đây xảy ra liên tiếp những vụ TNGT liên quan đến xe khách gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là xe khách giường nằm. Nếu ý thức của người lái xe không được nâng cao thì những vụ tai nạn thương tâm sẽ mãi là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.

Phần lớn các vụ TNGT xảy ra là do ý thức lái xe kém

Vẫn do ý thức lái xe

Sáng 27-5, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông báo kết quả điều tra ban đầu của vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên QL1, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam. Cụ thể, vào lúc 4h15 ngày 22-5, tại Km1730+300 trên QL1 xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ông Trần Công Định (đã tử vong) lái xe khách BKS: 38N-5577 (chạy hướng TP.HCM - Hà Tĩnh) vượt xe tải BKS: 86C-05388 (chạy hướng TP.HCM - Phan Thiết).

Trong lúc vượt qua xe tải, xe khách BKS: 38N-5577 đã đâm vào phần đầu, góc bên trái của xe khách Phương Trang BKS: 51B-11224. Sau va chạm, cả hai chiếc xe đã bốc cháy đen trơ khung và đều là xe khách giường nằm. Hậu quả, 13 người chết, 39 người bị thương.

Hiện nay, lực lượng công an đang tiếp tục điều tra để có kết luận chính thức về vụ TNGT, làm việc với các chủ xe khách nhằm xác định trách nhiệm dân sự đối với nạn nhân. Trước đó, Công an tỉnh Bình Thuận qua điều tra đã xác định, thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách 38N-5577 chạy với tốc độ 56km/h, xe khách Phương Trang 51B-11224 chạy 68km/h. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, đoạn đường xảy ra tai nạn cho phép chạy 70km/h.

Trước đó, ngày 3-5 cũng trên tuyến QL1 đã xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 8h ngày 3-5, tại km1045+600 trên QL1 thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô chở khách 16 chỗ BKS: 43B-026.33 của nhà xe Sơn Lâm chạy theo hướng Bắc - Nam với xe ô tô tải chở đá dăm BKS: 76C-034.43 chạy cùng chiều và ô tô tải chở cát BKS: 43S-4336 chạy chiều ngược lại, làm 4 người chết, 5 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, xe ô tô chở khách trên không có phù hiệu, không có  giấy phép kinh doanh vận tải, không gắn thiết bị giám sát hành trình… Đáng nói, lái xe khách Sơn Lâm đã cố tình vượt phải chiếc xe tải chở đá dăm, bị xe này đâm văng qua đường ngược chiều. Ngay lúc đó, chiếc xe khách bị xe chở cát chạy ngược chiều tông trực diện… 

Vận tải khách đang cung quá cầu

Tai nạn liên quan đến hoạt động xe khách luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là xe khách giường nằm. Theo phân tích của chuyên gia giao thông vận tải, người dân lựa chọn đi xe khách giường nằm vì tính tiện lợi của loại hình phương tiện này. Các tuyến xe khách giường nằm thường chạy đường dài vào ban đêm, người dân lên xe, ngủ một giấc và sáng hôm sau sẽ đến nơi. Cũng bởi vậy mà hậu quả gây ra thường khốc liệt vì hành khách trên xe đều ngủ say, không có sự chủ động xử lý tình huống. 

Tháng 9-2014, sau vụ tai nạn xe khách giường nằm của nhà xe Sao Việt ở Sa Pa, Lào Cai, làm 14 người chết, các Hiệp hội Vận tải Hà Nội và TP. HCM đã kiến nghị nên cấm xe khách giường nằm trên một số cung đường vì nghi ngờ độ cân bằng của loại xe này. Sau đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, cùng với đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã thử nghiệm về độ cân bằng của loại hình xe này. Kết quả cho thấy, không có căn cứ khoa học nào chứng minh xe khách giường nằm kém cân bằng hơn các loại xe khách thông thường.

Năm 2015, Bộ GTVT đã có Thông tư quy định, từ 1-7-2015 cấm các loại xe khách giường nằm 2 tầng trên các cung đường cấp 5, cấp 6 miền núi (cấp đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6 - 6,5m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5m, tốc độ thiết kế đường 20 - 30km/h). Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 4.700 chiếc xe giường nằm, trong đó chủ yếu là xe khách 2 tầng.

Không thể phủ nhận tính tiện ích của xe khách giường nằm 2 tầng đối với hành khách, song  ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ngoài việc cấm xe khách giường nằm hoạt động trên cung đường miền núi thì nên quy định về cự ly, tránh tình trạng nở rộ xe khách giường nằm dù quãng đường chỉ mấy chục kilomet.

Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, phương tiện và đường sá chỉ là yếu tố phụ, yếu tố chính vẫn là ý thức của lái xe. “Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khoán trắng cho lái xe, dẫn đến tình trạng chạy ẩu, chạy bừa. Thêm vào đó, xe khách liên tỉnh phát triển quá mạnh, cung vượt quá cầu đã dẫn đến tình trạng tranh giành khách, gây tai nạn”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết.