Liên tiếp phát hiện cá tầm giá rẻ nhập lậu, phải siết lại thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cá tầm nhập lậu vào Việt Nam có thể không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng giá lại rẻ, gây thiệt hại cho người nuôi cá trong nước.
Lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ lô hàng cá tầm nhập ngoại

Lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ lô hàng cá tầm nhập ngoại

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển lậu cá tầm

Tổng cục QLTT cho biết, gần đây, lực lượng QLTT đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng cá tầm.

Cụ thể, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lào Cai) kiểm tra tại khu vực tổ 18, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng 400 kg cá tầm từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam.

Chủ hàng là ông Trần Văn Giang, sinh năm 1977, thường trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Văn Giang không xuất trình được các hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa nêu trên.

Trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Lào Cai đã phối hợp Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Lào Cai) tiến hành kiểm tra tại khu vực tổ 23, phường Phố Mới, TP Lào Cai, phát hiện, bắt giữ lô hàng cá tầm có nguồn gốc từ Trung Quốc, với số lượng 512 kg, trị giá gần 70 triệu đồng.

Chủ lô hàng là Hoàng Văn Đồng (34 tuổi, trú phường Duyên Hải, TP Lào Cai) khai nhận đã thu mua của người dân đi chợ Trung Quốc, đóng gói để vận chuyển về tiêu thụ tại Hải Phòng.

Ngay sau khi xác minh rõ thông tin, Đội QLTT số 1 đã trình Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số cá tầm nhập lậu và xử phạt vi phạm hành chính chủ hàng 40 triệu đồng; đồng thời, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cá tầm ngày càng được người dân tại nhiều địa phương ưa chuộng, đặc biệt sử dụng trong các dịp dịp cưới hỏi.

Giá cá tầm "nhập ngoại" thường rẻ hơn giá cá tầm nuôi ở trong nước. Tuy nhiên, do không xác định được nguồn gốc, chất lượng nên loại cá này tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Mặt khác, cá tầm nhập lậu cạnh tranh trực tiếp với cá nuôi trong nước, gây thiệt hại cho người nuôi.

Kiểm tra, kiểm soát thị trường cá tầm

Để ngăn chặn cá tầm nhập lậu, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) vừa có văn bản số 488/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi kinh doanh, nhập khẩu cá tầm.

Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội biên phòng, Hải quan), tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng cá tầm nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật;

Trong thị trường nội địa (nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), lực lượng QLTT phải chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm, phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng (CATP, Sở NN&PTNT…) tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại…).

Trước đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu, kinh doanh cá tầm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và người nuôi cá trong nước.