Liên tiếp những vụ trả thù, giải quyết mâu thuẫn bằng "bom xăng"

ANTD.VN -Liên tiếp những vụ trả thù bằng “bom xăng” diễn ra gần đây cho thấy, “bom xăng” đã trở thành loại vũ khí rất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản đối với nạn nhân. Trước tình trạng này, nhiều người dân đặt câu hỏi "phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn trên là do chế tài xử lý còn quá nhẹ"?

Nỗi kinh hoàng mang tên “bom xăng”

Tối 19/7, chị Đinh Thị H (35 tuổi, ở xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) đang cho con gái 4 tuổi ăn cơm trong ki-ốt bán quần áo thì ngửi thấy mùi xăng nồng nặc. Chị H ra ngoài kiểm tra thì bất ngờ bị một người đàn ông bịt kín mặt mũi đốt và ném túi chứa nhiều chai xăng về phía mình.

Do bất ngờ không kịp tránh nên chị H bị chai xăng ném trúng vào đùi và chân khiến chị bị bỏng nặng ở 2 chân. Bên cạnh đó, nhiều tài sản trong ki ốt của chị H cũng đã bị thiêu rụi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện CAH Nghi Lộc đang điều tra làm rõ vụ việc

Trước đó 2 tháng, CAH Lộc Ninh, Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Ngọc Hiếu (SN 1983, ngụ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

"Bom xăng" có khả năng gây sát thương lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng

Theo cơ quan điều tra, do vợ của Hiếu xảy ra mâu thuẫn với hàng xóm là chị H.T.Y (SN 1984), Hiếu đã lấy 4 chai thủy tinh chứa xăng bên trong rồi đốt lửa, ném thẳng vào hiên nhà chị Y.

Vào thời điểm Hiếu ném bom xăng, trong nhà chị Y có khoảng 10 người đang ngồi nói chuyện nên đã khiến 4 người bị thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu.

Còn tại tỉnh Bình Dương, cách đây không lâu, CATP Thủ Dầu Một đã tạm giữ Lê Văn Công (SN 1994, quê Hậu Giang) vì ném bom xăng vào công ty của vợ. Nguyên nhân là do khi Công nghe vợ là chị Nguyễn Ngọc H (SN 1997) đang làm công nhân tại một công ty thuộc KCN Sóng Thần 3, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một kể bị bảo vệ ngăn cản không cho vào làm việc nên rất bực tức.

Do đó, Công lấy hai vỏ chai bia chế thành “bom xăng” đem đến trước cổng công ty ném vào bên trong để trả thù cho vợ. Lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng này khi đang lẩn trốn tại một phòng trọ tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Vũ khí nguy hiểm gây sát thương cao

Những vụ việc trên cho thấy, việc sử dụng “bom xăng” để giải quyết mâu thuẫn, trả thù là thủ đoạn gây án manh động và táo tợn của tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp cảnh báo để người dân đề phòng.

Điều đáng nói là “bom xăng” dễ chế tạo và sử dụng, chi phí thấp song lại có khả năng sát thương cao, đủ sức để tấn công nhiều người cùng lúc. Ở dạng đơn giản, “bom xăng” chỉ là một chai thủy tinh chứa đầy xăng, dầu hỏa hay chất lỏng gây cháy nổ cùng với một tim ngòi dầu (một miếng giẻ hoặc bông gòn làm ngòi buộc vào nút chai để mồi lửa).

Khi sử dụng, đối tượng chỉ cần đốt cháy tim dầu rồi quăng chai cháy vào mục tiêu. Chai cháy bị vỡ sẽ làm phần chất lỏng văng ra ngoài bao trùm một khoảng không rộng lớn, nhanh chóng bắt lửa gây hỏa hoạn. Ngoài ra bọn tội phạm còn dùng chất methanol, nhựa thông, axít để chế “bom xăng”.

Nguy hiểm hơn khi “bom xăng” được chế từ hỗn hợp xăng cháy và axít H2SO4. Khi cái chai thủy tinh bị vỡ, KCLO3 (bên ngoài chai) và H2SO4 (trong chai) tiếp xúc với nhau sẽ tạo ra áp suất lớn khiến những mảnh chai thủy tinh vỡ văng tứ tung, gây sát thương cực lớn trong bán kính rộng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi dùng bom xăng trả thù, giải quyết mâu thuẫn...có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội Cố ý gây thương tích, Đe dọa giết người, thậm chí là tội Giết người - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Để ngăn chặn loại vũ khí nguy hiểm này, hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo, các cơ quan chức năng cần xử lý thích đáng đối với các đối tượng có hành vi sử dụng “bom xăng”. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của loại “bom xăng”, triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn những cá nhân có ý đồ sử dụng “bom xăng” để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống.