Liên tiếp các vụ chị em vớ "quả đắng" do mua hàng thời trang qua mạng: Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đặt mua 5 chiếc váy qua mạng xã hội Facebook với giá 900.000 đồng, một nữ khách hàng ở Hà Nội phập phồng hi vọng sẽ được diện những món đồ ưng ý, để thỏa sức "sống ảo" trong chuyến du lịch biển sắp tới. Nhưng niềm vui của chị nhanh chóng vụt tắt khi nhận hàng...

Treo đầu dê, bán thịt... lừa

Trong đơn gửi Báo ANTĐ, chị B.N ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh, ngày 8/7 chị đặt mua 5 chiếc váy tại tài khoản mạng xã hội tên Women Fashion với giá 900.000 đồng. Trong quá trình tư vấn cho khách, bên bán khẳng định như đinh đóng cột “hàng nhập cao cấp, chuẩn như hình. Khi nhận hàng, khách không được kiểm tra hàng  nhưng nếu không vừa sẽ liên lạc lại để nhân viên giao hàng đến đổi tận nhà và lấy lại hàng đổi”.

Tuy vậy, đến ngày 13/7, chị N nhận và mở hàng thì thấy bên trong gói hàng là 5 chiếc váy với kích cỡ rất nhỏ, không đúng cỡ và kiểu dáng, chất liệu chị đã đặt. Ngay sau đó, chị N đã liên tục liên lạc với bên bán hàng qua số điện thoại 0912.61340xx… và nhắn tin trên Facebook nhưng không nhận được hồi âm.

Quá thất vọng, chị N đã gọi điện thoại cho nhân viên giao hàng của công ty chuyển phát nhanh để thông báo sự việc, thì nhận được câu trả lời bên giao đã giao hàng và nhận tiền, giao dịch hoàn thành nên không thể hoàn trả lại hàng. Chị N đề nghị bên giao hàng tạm dừng việc trả tiền cho bên bán hàng để giải quyết khiếu nại song không được chấp thuận.

“Mặc dù tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty chuyển phát nhanh tạm dừng chuyển số tiền mua hàng của tôi cho bên bán hàng, nhưng đơn vị này không có động thái tích cực nào. Tôi được biết, bên bán hàng là khách hợp đồng của công ty này nên họ sẽ có thông tin về tài khoản, số điện thoại của bên bán nhưng vì lợi nhuận, họ nhắm mắt làm ngơ, bỏ mặc tôi và không ít khách hàng khác trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, bán hàng kém chất lượng” - Chị N bức xúc.

Đã có không ít chuyện dở khóc, dở cười khi mua hàng qua mạng (ảnh minh họa)

Đáng buồn, trường hợp của chị N không phải hi hữu. Thời gian qua, nắm bắt được tâm lý muốn mua nhanh, hàng rẻ mà đẹp, chất lượng của người dân, một số đối tượng đã lợi dụng giao dịch thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng….

Hoa mắt vì giá rẻ, giá sốc và các chương trình giảm giá sâu tràn lan trên mạng xã hội, không ít khách hàng phải nhận “trái đắng” khi mua phải “bánh vẽ” trên mạng. Dù đã được cảnh báo, nhưng những câu chuyện dở khóc, dở cười do mua hàng qua mạng vẫn không ngừng diễn ra như khách mua váy dạ hội nhận được váy ngủ, áo tắm nhưng nhàu nhĩ, mỏng tang không khác gì giẻ lau…

Điều đáng nói là khi xảy ra sự việc, bên bán hàng thường không thực hiện đúng cam kết ban đầu về việc đổi trả, bảo hành sản phẩm hoặc làm qua loa, thậm chí đổ lỗi cho khách hàng rồi… lặn mất tăm, chặn facebook, số điện thoại...

Đừng mua hàng bằng niềm tin

Khi phát hiện hành vi lừa đảo, khách hàng thường liên hệ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tại địa phương hoặc tổng đài của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi NTD để khiếu nại. Song việc lấy lại được tiền không hề đơn giản. Bên cạnh đó, có người cho rằng, do giá trị món hàng không nhiều nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tạo cơ hội cho các trang mạng bán hàng rởm, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục hoạt động.

Về chế tài xử lý, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng có thể bị xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Khi người tiêu dùng đặt mua sản phẩm chất lượng, tương ứng với số tiền bỏ ra, nhưng khi nhận về thì sản phẩm không đúng ý, theo Điều 8 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, họ có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, do các quy định của luật pháp trong việc quản lý bán hàng trên mạng và thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để quảng cáo sản phẩm sai sự thật, không cung cấp đầy đủ và minh bạch về sản phẩm.

Do vậy, để tránh tiền mất, tật mang, người dân nên mua sắm tại các website thương mại điện tử uy tín, khi thực hiện giao dịch mua bán hàng phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch. Mỗi cá nhân khi mua phải hàng kém chất lượng qua mạng phải kịp thời thông tin, tố giác về sự việc để được ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua bán hàng online, tăng mức phạt lên thật nặng đối với những trang bán hàng vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời “bêu tên” để cảnh báo, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của đơn vị vận chuyển, giao hàng trong trường hợp xảy ra "sự cố", tranh chấp...

Về kinh nghiệm mua hàng qua mạng, theo các chuyên gia kinh tế, trước khi mua hàng cần đối chiếu ảnh trên mạng và ngoài đời. Khi chọn sản phẩm cần yêu cầu người bán chụp ảnh thật ngoài đời của sản phẩm, chụp cận cảnh để xem chất liệu. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ chính sách đổi trả hàng, sản phẩm được bảo hành trong thời gian bao lâu và có đáng tin cậy không.