Liên tiếp 2 người tử vong do sốt xuất huyết: Phải tránh ngay những sai lầm sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và đã ghi nhận 2 ca tử vong chỉ trong nửa tháng qua. Đáng chú ý, người dân vẫn còn rất chủ quan và sai lầm trong xử lý bệnh dịch này…
Điều trị SXH tại Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị SXH tại Bệnh viện Bạch Mai

Điểm chung của 2 bệnh nhân vừa tử vong do SXH ở Hà Nội là đều không phân biệt được sớm triệu chứng của bệnh SXH với bệnh khác, cố gắng tự điều trị tại nhà dù bệnh đã có dấu hiệu nặng, khi nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn…

Vì thế, trong mùa cao điểm của dịch bệnh với số ca mắc SXH đang tăng nhanh như hiện nay, các chuyên gia chỉ rõ, người dân cần tuyệt đối tránh các sai lầm thường gặp sau.

Tránh nhầm lẫn SXH với các bệnh sốt khác

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ…

Để phân biệt, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, các triệu chứng của bệnh SXH rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường khác nên người dân khi có các biểu hiện sốt cao một cách đột ngột trong 1- 2 ngày đầu, dùng thuốc hạ sốt không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Không tùy tiện dùng thuốc hạ sốt

Ngày 1-9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một bệnh nhân tử vong do SXH (ca tử vong thứ 2 ở Hà Nội) là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm. Ca bệnh này đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng. Chẩn đoán khi tử vong: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu-sốc Dengue/Ngộ độc paracetamol.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tự ý dùng thuốc hạ sốt, paracetamol để điều trị các bệnh sốt nói chung, SXH nói riêng còn rất phổ biến. Đây là sai lầm cần tránh, đặc biệt bệnh nhân SXH tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh bừa bãi.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, người dân cần thận trọng, tham vấn ý kiến chuyên gia y tế khi dùng các loại thuốc hạ sốt để điều trị SXH.

Lý do vì trên thị trường có một số loại thuốc có tác dụng hạ sốt song lại có thể gây hại cho bệnh nhân SXH. Đấy là chưa kể người dân không nên lạm dụng thuốc hạ sốt bởi có thể gây ngộ độc, tổn thương gan.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tự ý truyền dịch tại nhà để điều trị khi thấy SXH là sai lầm đáng tiếc mà nhiều người mắc phải. Trong thực tế, đã có nhiều bệnh nhân SXH vì ngại đến cơ sở y tế để khám, tự ý điều trị bằng truyền dịch tại nhà dẫn đến tử vong.

Điển hình như ca tử vong đầu tiên do SXH ở Hà Nội cách đây nửa tháng, nam thanh niên chưa đầy 20 tuổi được chẩn đoán mắc SXH nhưng ngại không vào viện mà ở nhà tự truyền dịch. Khi chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà, 2 ngày sau thì tử vong do suy đa tạng.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà để phòng ngừa biến chứng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.

Thấy hết sốt cũng không được chủ quan

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân SXH thường có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng.

Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị.

BS Nguyễn Kim Thư cũng cảnh báo, đa số bệnh nhân SXH thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 3, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh.

Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên.