Liên minh châu Âu tung “vũ khí thương mại” đáp trả Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU) gồm nhiều nền kinh tế phát triển đang lên kế hoạch tung ra “vũ khí thương mại” mới và có uy lực nhằm phản pháo lại việc Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới của mình để gây sức ép về kinh tế nhằm “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên thuộc liên minh này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày kế hoạch Global Gateway như một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày kế hoạch Global Gateway như một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Đủ trò cưỡng ép, bắt nạt kinh tế

Theo thông tin báo chí, Liên minh châu Âu (EU) đang lên dự thảo một dự án luật đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Trung Quốc cũng như các quốc gia mà liên minh này cáo buộc “bắt nạt về kinh tế”. Theo đó, liên minh gồm 27 thành viên này sẽ sử dụng những “công cụ chống cưỡng ép” nhằm vào các quốc gia tìm mọi cách “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên bằng cách “áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư”.

Dự luật được xem như là một “vũ khí thương mại” của EU được đưa ra trong bối cảnh vấn đề cưỡng ép kinh tế đã trở thành chủ đề khiến liên minh này lo ngại sau căng thẳng giữa một quốc gia thành viên là Lithuania với Trung Quốc vừa qua.

Trung Quốc bị cáo buộc chặn xuất khẩu của Lithuania, giảm các chuyến tàu đến Lithuania và áp đặt các rào cản pháp lý đối với ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và gỗ sau khi quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở một cơ quan đại diện, trong khi các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc cũng thi nhau công kích Lithuania. Tuy nhiên, Lithuania vẫn bất chấp và Bộ Quốc phòng nước này thậm chí còn yêu cầu người tiêu dùng vứt bỏ điện thoại do Trung Quốc sản xuất và mua điện thoại mới.

Lithuania chỉ là một trong số các “nạn nhân” mới trên thế giới bị Trung Quốc tìm cách “bắt nạt”, “cưỡng ép” về kinh tế. Trước đó, Trung Quốc từng “giở trò” này với không ít các quốc gia khác, kể cả với các nền kinh tế mạnh như Nhật Bản hay Hàn Quốc…

Hồi tháng 4-2020, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi sau khi quốc gia châu Đại Dương kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các lệnh trừng phạt để trả đũa bao gồm các mặt hàng như lúa mạch, rượu vang, thịt bò và bông của Australia xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới. Đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc đã ảnh hướng không nhỏ tới xuất khẩu của Autralia sang Trung Quốc, khiến tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc giảm 2% trong năm 2020.

Với sức mạnh kinh tế và thương mại của một cường quốc kinh tế số hai thế giới, Trung Quốc nhiều năm qua đã coi đây như là một thứ vũ khí tấn công, răn đe các quốc gia khác trên thế giới trong các vấn đề phi kinh tế như chính trị, ngoại giao…

Sức ép càng lớn, phản kháng càng mạnh

Tuy nhiên, trò bắt nạt, cưỡng ép về kinh tế và thương mại thô thiển và thô bạo của Trung Quốc đang ngày càng kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Và ngày càng có nhiều quốc gia đang thể hiện ý chí mạnh mẽ trong việc chống chọi với đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc bằng cách chấp nhận những đau đớn và gián đoạn trong ngắn hạn về kinh tế và thương mại để bảo vệ những giá trị, chính sách và sự tự tôn dân tộc, nền độc lập.

Là một liên minh và một thực thể kinh tế lớn mạnh, EU đã có phản ứng thích đáng trước sự bắt nạt kinh tế của Trung Quốc, trước hết “chia lửa”, bảo vệ một thành viên là Lithuania, lâu dài là các thành viên khác cũng như cả liên minh này.

Dự án luật mà EU đang xây dựng đưa ra hàng loạt biện pháp đáp trả những hành động cưỡng ép kinh tế như các biện pháp thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư…

Những nước mà EU xác định là có hành vi cưỡng ép kinh tế có thể phải đối mặt với hàng loạt các biện pháp đáp trả của liên minh như chặn khỏi nguồn cung ứng hàng hóa do các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu của EU điều chỉnh, bị loại ra khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc hóa chất quy mô lớn của khối, hoặc phải đối mặt với rào cản khi khai thác thị trường thực phẩm của 27 thành viên liên minh.

Dự thảo dự kiến được EU công bố vào ngày hôm nay, 8-12 và phải trải qua một quy trình lập pháp thông qua Hội đồng châu Âu, các lãnh đạo 27 nước thành viên và Nghị viện châu Âu để được ký thành luật.

Không trực diện đáp trả như dự án luật trên, EU vừa qua cũng đã công bố một Kế hoạch hạ tầng đầy tham vọng, được xem như là một nỗ lực của liên minh nhằm đối chọi lại với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một công cụ quan trọng của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng, áp đặt với thế giới.

Trong thuyết trình về Kế hoạch hạ tầng Global Gateway trị giá 300 tỷ euro (340 tỷ USD) ngày 1-12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, kế hoạch này được EU đề ra như một nỗ lực cạnh tranh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, theo đó những quốc gia nhận đầu tư hạ tầng của liên minh sẽ “không phải gánh khoản nợ không thể thanh toán nào với EU”. Vì thế, đây là “sự thay thế đích thực” cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Kế hoạch Global Gateway đặt mục tiêu huy động 300 tỷ euro từ ngân sách công và tư trong giai đoạn 2021-2027 nhằm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại ngoài lãnh thổ EU, hướng đến phát triển các lĩnh vực số hóa, giao thông, năng lượng sạch, hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu.

Nhằm ứng phó đại dịch Covid-19, kế hoạch Global Gateway hướng đến hỗ trợ các nước tự sản xuất vaccine và đa dạng hóa chuỗi cung ứng dược phẩm. EU cũng muốn đầu tư hơn nữa vào giáo dục toàn cầu, trong đó có mở rộng giảng dạy trực tuyến...

Mặc dù kế hoạch Global Gateway không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, song giới phân tích đánh giá kế hoạch này cho thấy EU đang gia tăng nỗ lực và hành động nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc sau 7 năm cường quốc này mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Có thể thấy, việc Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế hay quân sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác đang bị phản ứng và đáp trả khắp nơi trên thế giới. Kế hoạch Global Gateway hay dự luật “vũ khí thương mại” mà EU vừa tung ra hay đang soạn thảo là minh chứng cho điều này.