Liên kết để tồn tại

ANTĐ - Hoạt động ngân hàng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ đang đứng trước nhiều thử thách. Chỉ những ngân hàng nào hội tụ đủ ba điều kiện: đủ vốn theo quy định, có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt và công khai minh bạch thì mới có thể duy trì hoạt động.

Để tiếp tục tồn tại, xu thế tất yếu là các ngân hàng phải tự tìm đến với nhau, liên kết để tăng sức mạnh và hợp tác cùng có lợi.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nước ta hiện nay đang có quá nhiều ngân hàng nhưng lại chưa có một ngân hàng thực sự mạnh. Trong khi đó, các ngân hàng đã phát triển quá nhanh, mở rộng quy mô, mạng lưới để huy động nhiều vốn, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động tín dụng mà không phát triển các sản phẩm tiện ích kèm theo. Đồng thời công tác quản trị lại không theo kịp, do vậy không ít ngân hàng không kiểm soát được rủi ro của mình. Mặt khác, do chính sách tiền tệ quốc gia và kinh doanh tài chính ngân hàng còn nhiều bất cập nên khi có biến cố thị trường tất cả đều rơi vào thế bị động.

Ngoài ra, những khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải hiện nay là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn, nhiều ngân hàng không dễ dàng phát hành trái phiếu tăng vốn với khối lượng lớn, các nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào lĩnh vực tài chính ngân hàng đã bị chặn lại, các các quỹ đầu tư nước ngoài cũng không còn tỏ ra mặn mà. Điều này dẫn đến việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ là một bài toán nan giải.

Trước thực trạng đó, giải pháp sáp nhập những ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn để nâng cao nguồn vốn đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu. Quá trình sáp nhập còn làm cho việc điều hành, quản trị ở các ngân hàng tập trung và dễ quản lý hơn. Hơn nữa, khi hệ thống ngân hàng đủ mạnh sẽ tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế. Có thể kể đến hàng loạt thương vụ sáp nhập điển hình trong thời gian qua như giữa Ngân hàng HSBC với Bảo Việt, Hà Tiên 1 với Hà Tiên 2, Ngân hàng Liên Việt với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện…

 

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn cộng với sức ép từ Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính Phủ quy định tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011, điều tất yếu là các ngân hàng nhỏ sẽ không đủ sức cạnh tranh với ngân hàng lớn và buộc phải tìm đối tác để sáp nhập. Theo các chuyên gia, hiện nay có gần 50% ngân hàng đang yếu về nhiều mặt và đó là cơ hội tốt để hoạt động sáp nhập diễn ra mạnh mẽ và tạo động lực cấu trúc lại hệ thống ngân hàng hiện đại.

Hiện, hoạt động sáp nhập ngành ngân hàng được giới chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh và mạnh trong thời gian tới, các ngân hàng vì thế đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành ngân hàng đã ghi nhận có 5 thương vụ mua bán và sáp nhập lớn như việc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) bán 10% cổ phần cho Công ty tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng An Bình  (ABBank) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank, Ngân hàng Phát triển MeKong (MDB) bán 15% cổ phần cho đơn vị đầu tư thuộc Temasek và Ngân hàng Quốc tế (VIB) bán 5% cổ phần cho Commonwealth Bank của Australia.

Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục còn kéo dài, việc cho phép tồn tại những ngân hàng nhỏ kinh doanh kém hiệu quả có thể sẽ gây ra gánh nặng cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, sự đổ vỡ tín dụng, gia tăng nợ xấu nếu có cũng sẽ xuất phát trước tiên từ những ngân hàng nhỏ này.

Sự phá sản của một số ngân hàng nhỏ là điều khó tránh khỏi, song có thể thấy rằng hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ diễn ra khó khăn hơn các lĩnh vực khác. Bởi đây là lĩnh vực đặc thù, huyết mạch của nền kinh tế. Và vấn đề quan trọng đặt ra là các cơ quan chức năng cần phải tạo ra hành lang pháp lý cho việc sáp nhập giữa các ngân hàng có thể tiến hành được thuận lợi và theo đúng thủ tục.