Liên kết để tăng sức cạnh tranh

ANTĐ - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập ngày 31-12-2015, tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa những ưu đãi thương mại tự do. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thị trường rộng mở hơn, không phải chịu nhiều sức ép từ luật và thuế. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt.

Liên kết để tăng sức cạnh tranh ảnh 1Doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế riêng so với các nước trong khu vực

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Tại tọa đàm “Cơ hội cho doanh nghiệp thành phố Hà Nội khi tham gia AEC”, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, trước hội nhập, doanh nghiệp mới nhận biết cơ hội, thách thức ở mức chung chung mà không nắm được cụ thể như thế nào. Họ chỉ biết rằng, khi phần lớn hàng rào thuế quan về mức 0% thì hàng hóa của các quốc gia trong khu vực sẽ tràn vào thị trường trong nước, cạnh tranh với hàng Việt Nam. Hiện chúng ta vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực.

Trong khi đó, mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ còn phát triển chậm, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu làm giảm sức cạnh tranh. Vì thế, các cơ quan quản lý cần tập trung hướng doanh nghiệp phát triển dựa trên những lợi thế tương đối của Việt Nam so với các nước ASEAN.

Theo ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thực tế các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tận dụng được khoảng 30% ưu thế từ các hiệp định tự do mang lại. Hội nhập AEC, ngoài những lợi thế, doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với trong nước. Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính tương đồng cao với các nước trong khu vực, dẫn đến tính loại trừ rất cao. ASEAN luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và EU với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm vừa qua.

Mặc dù về mặt giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng dần đều, nhưng tỉ trọng của khu vực này trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Cụ thể là từ 14,9% năm 2012 xuống 13,97% năm 2013 và 12,37% năm 2014. 6 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang ASEAN chiếm 9,12%, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ.

Chủ động hội nhập

 Hà Nội có vị trí địa lý - chính trị quan trọng trong khu vực, là cửa ngõ đi vào ASEAN. Do đó, Hà Nội có mối quan hệ và tính kết nối cao đối với các địa phương trong cả nước và các thành phố trong khu vực. Để khai thác tối đa những lợi thế đó, doanh nghiệp cần tạo cho mình tâm thế chủ động để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh. 

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội chia sẻ, sức mạnh kinh tế của thành phố được tạo thành từ chính các doanh nghiệp. Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh,  của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần chọn cho mình một chiến lược kinh doanh đúng đắn trong điều kiện mới.

Hiện nay, chính phủ đã công khai các ngành, các lĩnh vực được ưu tiên phát triển, công khai lộ trình hội nhập, nhất là các lộ trình thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp Hà Nội cần nắm rõ những nội dung đó để tự xác định được lợi thế và thách thức đối với chính mình. Xây dựng chiến lược kinh doanh, xác định một hướng đi đúng đắn dài hạn, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong tương lai. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải tổ chức lại kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.