Liên kết dễ dẫn đến độc quyền

ANTĐ - Việc 3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018 khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có không ít lo ngại về việc liên kết để độc quyền, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thiệt hại cho nền kinh tế.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc liên kết, tránh tình trạng độc quyền trong kinh doanh điện

Ảnh: PHÚ KHÁNH

Lợi ích trông thấy

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: “Việc ký thỏa thuận này sẽ mang lại hiệu quả tích cực nếu như cả ba tập đoàn đều hợp tác giải quyết hiệu quả những vấn đề còn khúc mắc giữa họ bấy lâu nay”. Ví dụ như việc TKV than phiền giá than bán cho điện vẫn thấp hơn giá thành; PVN bức xúc vì EVN không mua điện của PVN mà lại mua điện của Trung Quốc hay cả TKV và PVN đều thường xuyên nhắc tới khoản nợ tiền mua điện của EVN. Bên cạnh đó, cả ba doanh nghiệp đầu tàu này đều thuộc lĩnh vực năng lượng nhưng Việt Nam mới có quy hoạch ngành điện thì việc thỏa thuận có thể cho ra đời một bản quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia hoàn chỉnh, đầy đủ. 

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, ba tập đoàn sẽ hợp tác chiến lược trên lĩnh vực quy hoạch phát triển ngành; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện; đầu tư khai thác và vận chuyển than trong nước và ở nước ngoài; vận hành các nhà máy điện; hợp tác sử dụng các dịch vụ và hợp tác trong truyền thông.

Bày tỏ quan điểm về sự kiện này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là xu hướng tất yếu bởi không có tập đoàn kinh tế nào muốn tồn tại riêng rẽ. “Bản chất hoạt động kinh tế là phải có liên kết. Liên kết trong từng lĩnh vực, từng khu vực kinh tế, trong cùng khu vực kinh tế. Các doanh nghiệp trên đều thuộc khu vực kinh tế Nhà nước nên càng cần liên kết”- ông Phong nói. Theo vị chuyên gia này, cái lợi của liên kết ở chỗ, các bên có thể cùng hợp tác phát triển khoa học công nghệ, nâng cao vị thế khu vực kinh tế nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh, đồng thời, có thể giảm chi phí đầu tư cho những hạng mục mà các bên đều quan tâm xây dựng, phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả liên kết chỉ đạt được khi các doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” sòng phẳng, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng.

Nhưng phải chống độc quyền

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đề cập đến việc chống độc quyền. Liên kết là tất yếu, nhưng phải có biện pháp chống độc quyền. Không phải ngẫu nhiên mà lo ngại này gây xôn xao dư luận, bởi trên thực tế, cả PVN, TKV, EVN đều đang độc quyền một cách tự nhiên và hàng hóa, dịch vụ của các ông lớn này đều tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu PVN và Vinacomin được giao quản lý và khai thác phần lớn tài nguyên dầu khí, than đá của đất nước, thì EVN lại đang là đơn vị duy nhất mua điện của các đơn vị sản xuất và bán điện cho các hộ tiêu thụ. Ba doanh nghiệp này hiện chiếm tới 80% công suất nguồn điện hiện có tại Việt Nam và giá điện vẫn trong xu hướng tăng. Bên cạnh đó, giá điện hiện chịu tác động bởi ba yếu tố chính là: cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu đầu vào và tỷ giá. Trong đó, chỉ có tỷ giá nằm ngoài tầm với của 3 doanh nghiệp nói trên. Vì vậy, lo ngại về việc tăng giá dây chuyền là hoàn toàn có cơ sở. 

Cùng chung lo ngại này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chỉ rõ: “Nếu không kiểm soát tốt, các doanh nghiệp có thể lạm dụng để “đánh quả”, kinh doanh thua lỗ thì “cả làng” cùng chịu, chỉ có cá nhân họ được hưởng lợi. Họ từ bỏ nhiệm vụ chính và tăng cường đầu tư ngoài ngành”. Muốn hạn chế độc quyền, cần phải hoàn thiện Luật Cạnh tranh, phải có biện pháp không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp liên kết ép Chính phủ tăng giá. Mặt khác, nếu phát hiện độc quyền thì cần truy thu và phạt thật nặng hành vi vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay, cần nâng cấp cơ quan kiểm soát cạnh tranh. Theo ông Doanh, ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp cũng liên kết với nhau nhưng họ kiểm soát độc quyền rất tốt. Điển hình như nước Anh, ngành điện hoạt động hiệu quả, giảm tổn thất điện năng và các chi phí không chính thức, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.