Liên hợp quốc tin tưởng khi đưa bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC đến Việt Nam điều trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vừa qua, theo đề nghị của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp thành công cho một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc nhiễm Covid-19 đang công tác tại một nước trong khu vực và trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng, theo cơ chế MEDEVAC (cấp cứu khẩn cấp bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc ra nước ngoài), đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên hợp quốc.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Đánh giá về việc này, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đây là một thành tựu mang tính lịch sử và cũng rất quan trọng. Việt Nam từ trước tới nay vẫn được nhìn nhận là một nước sẽ cần phải đưa bệnh nhân nặng sang các nước khác theo cơ chế MEDEVAC như Singapore hay Thái Lan. Nhưng đây là lần đầu tiên, Việt Nam tiếp nhận bệnh nhân từ nước ngoài vào điều trị theo cơ chế MEDEVAC và đặc biệt nó diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Một trong những lý do để Liên hợp quốc đề nghị Việt Nam hỗ trợ cho trường hợp MEDEVAC này là bởi Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc phòng, chống dịch Covid-19 và có một số lượng ca nhiễm thấp, đồng thời có khả năng dành giường bệnh hồi sức tích cực để tiếp nhận bệnh nhân nặng. Hơn nữa, thông qua đợt đại dịch này, Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ chất lượng dịch vụ y tế rất tốt của mình. Bởi vậy, theo ông Kamal Malhotra, Liên hợp quốc rất tin tưởng khi đưa một bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC đến Việt Nam điều trị và bệnh nhân đó đã được hưởng chất lượng dịch vụ y tế mong muốn, đáp ứng đúng yêu cầu.

Ông Kamal Malhotra cho rằng, đây là một cột mốc mới, thành tựu ghi dấu ấn trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, với tư cách là một quốc gia có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ở các nước đến theo tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế. Điều này rất có ý nghĩa, giúp Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục thảo luận với Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng và tiềm năng cho những trường hợp MEDEVAC trong tương lai, với quan điểm xem xét từng trường hợp cụ thể và giữa bối cảnh Covid-19. Theo ông Kamal Malhotra, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp nhận các trường hợp MEDEVAC không chỉ mắc Covid-19 mà còn mắc các bệnh khác nữa trong khu vực Đông Nam Á của Liên hợp quốc.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam

Liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho biết sẽ cung cấp những hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam chống dịch. Thời gian tới, Liên hợp quốc, Văn phòng Điều phối viên thường trú và các tổ chức khác, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - tổ chức dẫn đầu về tiêm chủng vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cung ứng và kiểm soát chất lượng, an toàn của vaccine.

Theo ông Kamal Malhotra, trong cả hai năm, 2020 và 2021, Liên hợp quốc đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chống lại đại dịch Covid-19 này. Và đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khoanh vùng và khống chế sự lây nhiễm của dịch bệnh. Mặc dù, hiện nay Việt Nam đang ở trong làn sóng lây nhiễm thứ tư Covid-19 với mức độ nhanh, mạnh, có số lượng ca nhiễm mới và tử vong tăng cao hơn so với 3 đợt bùng phát dịch trước nhưng nếu xét trên bình diện toàn cầu thì những con số về số ca nhiễm mới cũng như là số tử vong của Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp so với các quốc gia khác.

Số người nhiễm, tử vong vẫn là thấp so với các nước xung quanh với quy mô dân số 98 triệu dân Việt Nam. Đa số những người tử vong là những người đã có bệnh nền từ trước. Về tổng thể, Việt Nam đã thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt. Những biến chủng virus mới có thể lây nhiễm nhanh hơn, nhưng phần lớn đã bị chặn đứng, ví dụ như các điểm nóng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, mặc dù vẫn còn đó những diễn tiến đáng lo ngại và khó lường ở TP.HCM.

Ông Kamal Malhotra cũng nhấn mạnh, lĩnh vực mà Việt Nam cần làm tốt hơn nữa chính là việc tiêm phòng vaccine cho toàn dân, bởi suy đến cùng, chúng ta không thể khống chế thành công dịch bệnh nếu không có vaccine. Văn phòng đang cố gắng hết sức mình để có thể hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam. Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ cố gắng mang đến cho Việt Nam một lượng vaccine đủ để có thể thực hiện tiêm chủng cho 20% dân số Việt Nam vào cuối năm nay.