Liên Bộ cần công bố giá thu mua lúa định kỳ để nông dân tham khảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với diễn biến nhu cầu gạo thế giới, cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế 20-25% các loại gạo xay xát và chưa xay xát tạo dư địa rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tại cuộc họp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT với chủ đề kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Đoan, trưởng Văn phòng đại diện Cục Trồng trọt tại TP.HCM, cho biết so với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long từ 4,3 triệu ha nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu ha, sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, nuôi thủy sản.

Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu 6 triệu tấn gạo với giá trị xấp xỉ 3 tỷ USD. Dự kiến cả năm xuất khẩu 6,7 - 6,8 triệu tấn với giá trị khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD.

"Giá gạo xuất khẩu ngày càng nâng cao, nếu như giai đoạn 2010-2015, giá gạo xuất khẩu bình quân 350 USD/tấn thì nay đạt gần 500 USD/tấn.

Đề nghị liên Bộ NN&PTNT và Công Thương định kỳ công bố giá thu mua lúa

Đề nghị liên Bộ NN&PTNT và Công Thương định kỳ công bố giá thu mua lúa

Nguyên nhân cơ cấu giống trong sản xuất có sự thay đổi rõ rệt, nếu năm 2010 chủ yếu là gạo chất lượng thấp thì đến năm 2022, giống gạo thơm, đặc sản đã chiếm hơn 30%, gạo chất lượng cao chiếm 46%, gạo chất lượng trung bình khoảng 14%, nếp 10%" - ông Đoan chia sẻ.

Ông Phan Minh Thông, giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn Việt Nam, cho biết các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... được mở rộng. Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

"Tuy nhiên xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn nhưng ít liên kết với nông dân. Thiếu thương hiệu gạo Việt Nam mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế" - ông Thông nói và cho rằng cần phải xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long và sản phẩm của doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua thương lái.

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết thống kê của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo đạt gần 3 tỷ USD.

"Với diễn biến nhu cầu gạo thế giới, cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế 20-25% các loại gạo xay xát và chưa xay xát tạo dư địa rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng chuyển hướng nhập khẩu gạo thay vì nhập khẩu lúa mì do đứt gãy nguồn cung từ chiến sự Nga - Ukraine.

Bức tranh xuất khẩu gạo cuối năm rất tươi sáng, theo phán đoán cá nhân tôi, cả năm đạt hơn 7 triệu tấn, tương đương mức kỷ lục năm 2012" - ông Hòa nhận định.