Lịch sử không quên những bản hùng ca

ANTĐ - Mùa xuân năm 1979, ngay khi cơ thể đất nước chưa kịp bình phục trước những đau thương, mất mát mà hai cuộc chiến chống ngoại xâm để lại thì một lần nữa, những người con ưu tú của đất nước lại phải khoác súng lên đường ra chiến trận. Đó cũng là thời điểm, bản hùng ca  “Chiến đấu vì độc lập, tự do”  ra đời và vang lên trong đạn bom, lửa khói.

Một bài hát đã thành khẩu hiệu

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”, giai điệu hùng tráng của “Chiến đấu vì độc lập, tự do” vang lên trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam ngày 20-2-1979, thôi thúc tinh thần chiến đấu của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ. Ngay trong cái đêm 17-2-1979, khi mà cuộc chiến đấu ác liệt nổ ra ở biên giới phía Bắc, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã cầm bút viết nên bài hát này.

Ông nhớ như in: “Lúc ấy, tôi công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, từng giờ, từng phút nghe ngóng, theo dõi tình hình cuộc chiến. Đất nước vừa mới thống nhất một vài năm, những vành khăn tang trắng còn trên đầu những người vợ, người con….thì đất nước lại phải chống chọi với một cuộc chiến tranh mới.  

Nhạc sỹ Phạm Tuyên

Và cuộc chiến nào cũng mang lại những đau thương, những tổn thất không gì bù đắp nổi. Vì vậy, lời bài hát không chỉ mang khí thế sục sôi mà còn là chất chứa nỗi xót xa, trước cảnh quê hương, đất nước gồng mình chiến đấu khi những vết thương cũ chưa lành - “Lịch sử đã trao cho Người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường…”.

Lời ca cất lên như thấu đạt tình cảm của người dân Việt Nam lúc bấy giờ, bởi vậy, nó đã nhanh chóng được hưởng ứng. Nhạc sỹ Phạm Tuyên xúc động kể lại, ngay khi bài hát này được lên sóng, anh em chiến sỹ trong khu V - Tây Nguyên đã gọi điện ra cho ông, nói rằng: “Khi nghe bài hát này, chúng tôi muốn lên biên giới phía Bắc để góp một phần xương máu vào cuộc chiến”. Sau đó, bài hát cũng đã được ghi thành những cuốn băng cầm tay để phát cho mọi người. Tháng 3 -1979, báo Nhân dân cho in lại bài hát này để phổ biến tới công chúng.

Lửa “cháy” trên những trang viết

Trong suốt giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bằng cả trái tim, tình cảm lớn lao của mình. Bằng chứng là ông đã cho ra đời không ít những tác phẩm không chỉ cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn thể đồng bào, thể hiện sự cảm phục, niềm tiếc thương trước những tấm gương bất khuất của những người lính Cụ Hồ.

Năm 1978, khi bắt đầu có những đụng độ xảy ra ở khu vực biên giới, ông đã viết bài “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” - người anh hùng mới 18 tuổi đã hy sinh khi đang chiến đấu chống lại kẻ thù. Bài hát vang lên, ca ngợi tấm gương anh dũng đã hiến dâng xương máu bảo vệ độc lập Tổ quốc, chạm đến trái tim mọi thanh niên Việt Nam, giục giã lên đường.

Bản chép tay bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do” của nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn được ông lưu giữ

Đây cũng là khúc bi tráng mà nhạc sỹ Phạm Tuyên không thể quên được trong rất nhiều ca khúc mà ông đã sáng tác thời kỳ này. Đó là “Có một đóa hồng chiêm” - lời ca thiết tha về nữ anh hùng quả cảm Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh ngày 17-2 tại biên giới Quảng Ninh. Đó là “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới”, được ông chấp bút khi trực tiếp lên khu vực biên giới, tỉnh Lào Cai, tại thời điểm cuộc chiến vẫn còn hết sức căng thẳng. Ông bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm 35 năm trước: “Sương chưa tan hết, nhưng bên bờ sông Nậm Thi, tôi vẫn nghe thấy tiếng đàn của những đồng chí bộ đội biên phòng, với một thái độ hết sức bình tĩnh, kiên trì chống lại những trận tấn công dồn dập, ác liệt ấy”.

Có những bài hát, âm thầm, lặng lẽ sống mãi với thời gian, mà ai cũng nhớ, người người đều nhắc đến nó, coi nó như một “kỷ niệm tâm hồn”. Đối với nhạc sỹ Phạm Tuyên, thời gian và công chúng chính là vị giám khảo công minh nhất đối với người sáng tác. Kể cả đối với những người bạn Trung Quốc đã từng hoạt động văn nghệ với mình ở khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, ông vẫn nhận được sự đồng tình. “Nhắc lại bài hát này - “Chiến đấu vì độc lập, tự do” sau 35 năm như sự ghi nhận của đời sống. Bài hát này không chỉ là tình cảm của riêng tôi, mà là của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, mà tôi là người may mắn được biểu lộ tình cảm ấy bằng âm nhạc”.