Nhà phê bình Mai Anh Tuấn:

Lịch sử Hà Nội được nhìn nhận trong mỗi cá nhân

ANTĐ - Mai Anh Tuấn là người nghiên cứu rất nhiều tác phẩm văn học viết về Hà Nội. Anh cũng là người đề tựa cho ấn bản mới của thiên phóng sự xuất sắc “Hà Nội lầm than” của Trọng Lang. Chào mừng 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, anh đã có cuộc trò chuyện về những tác phẩm văn học viết về Hà Nội được ấn hành trong dịp này.
Lịch sử Hà Nội được nhìn nhận trong mỗi cá nhân ảnh 1

Những cuốn sách về Hà Nội rất phong phú

- PV:  Là một người nghiên cứu những tác phẩm văn học về Hà Nội, anh đánh giá thế nào về những cuốn sách viết về Hà Nội từ thế kỷ 20 đến nay?

- Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Viết về Hà Nội trong văn học Việt Nam hiện đại theo tôi rất phong phú, tuy nhiên, có 3 cách thức biểu đạt chính. Đầu thế kỷ 20, Hà Nội trong văn chương là đô thị đi lên từ truyền thống. Điều này có thể nhìn rất rõ trong các tác phẩm của Thạch Lam. Ngược lại, một đô thị mới nơi mà văn hóa thực dân đã bắt đầu xâm chiếm, nơi kháng cự của văn hóa truyền thống không còn thì có thể nhìn thấy trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng, của Trọng Lang… Khuynh hướng thứ hai đó là viết về Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ví dụ những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân… thì Hà Nội như một Thủ đô anh hùng, một địa phương đi đầu trong kháng chiến.  

Cách biểu đạt thứ ba là trong các sáng tác của nhà văn đương đại  như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Trương Quý, Trần Chiến… Đó là những sáng tác chủ yếu viết về Hà Nội trong vẻ đẹp của đời sống thế tục, của lịch sử đã mất. Họ cố tạo dựng, tìm hiểu lịch sử Hà Nội trong lịch sử của từng cá nhân, của từng thân phận con người, từng khu phố. 

- Trong những tác phẩm viết về Hà Nội xưa, độc giả đã quen với hình ảnh Hà Nội đầy vẻ đẹp truyền thống chứ ít khi thấy được một Hà Nội với nhiều góc khuất. Anh nhận định thế nào? 

- Ở xu hướng thứ hai, các tác giả đã nhìn Hà Nội như một đô thị mới đang trên đà hiện đại hóa, nơi những dấu hiệu, thực thể văn hóa mới đã bắt đầu xâm nhập và văn hóa truyền thống dường như không đủ sức để chống lại sự xâm thực đó. Điều này như tôi nói ở trên, thể hiện rất rõ qua phóng sự của Vũ Trọng Phụng và đặc biệt là Trọng Lang với cuốn “Hà Nội lầm than”. Nếu như đọc “Hà Nội lầm than” độc giả sẽ thấy một Hà Nội rất khác, Hà Nội của những tầng lớp người dưới đáy xã hội, của thân phận người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề. Nạn cô đầu, hình thức kinh doanh tình dục trá hình… đều được thể hiện trong đó. Nên nếu với những người bảo lưu, tin vào những giá trị văn hóa truyền thống sẽ có thể bị “sốc” trước những phản ánh của Trọng Lang. Tuy nhiên, nếu nhìn lại có thể thấy ông có cái nhìn rất nghiêm khắc, tỉnh táo và đầy tính chất phản tỉnh.  

Lịch sử Hà Nội được nhìn nhận trong mỗi cá nhân ảnh 2Vẻ đẹp Hà Nội luôn là đề tài khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả Ảnh: Thuần Thư

Hà Nội là nơi thu hút nhiều cây bút

- Trong các tác phẩm văn học đương đại viết về Hà Nội, dường như các tác giả chọn hướng phản ánh đi sâu vào đời sống, mỗi số phận con người. Anh nghĩ sao?

- Nếu như trước đây Hà Nội hiện lên là một Thủ đô anh hùng, là mảnh đất của kháng chiến thì ở giai đoạn Hà Nội trong thời bình, các tác giả phải nhìn ra được cách tiếp cận mới. Khác với “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” hay “Sống mãi với Thủ đô”, họ khai thác Hà Nội trong đời sống thế tục, với tâm thức của thị dân, mà rõ nhất là “Me Tư Hồng” của Nguyễn Ngọc Tiến hay “Cậu Ấm” của Trần Chiến.

- Anh đánh giá thế nào về sự trỗi dậy của tản văn trong các tác phẩm viết về Hà Nội?

- Thực ra tiểu thuyết vẫn có chỗ đứng. Tuy nhiên, tản văn như trong tác phẩm của Nguyễn Trương Quý hay Nguyễn Ngọc Tiến lại là cơ hội để tác giả thể hiện tính chất khảo cứu. Họ không chỉ viết về Hà Nội, mà còn đưa những tư liệu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử… những khám phá rất thú vị. 

- Hiện nay, có đông đảo các nhà văn khai thác đề tài về Hà Nội, có thể viết hay về Hà Nội, dù họ không sinh trưởng ở đây? 

- Tại sao Hà Nội trở thành nơi thu hút nhiều cây bút đến thế? Đó là do nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, thậm chí là nếp tư duy của người Hà Nội nữa. Mỗi nhà văn có một nơi chốn và theo tôi việc sinh trưởng và gắn bó với Hà Nội không phải là yếu tố quyết định. Tôi thấy rằng, nhiều cây bút khi đến Hà Nội, hòa trong không gian văn hóa Hà Nội, họ phát lộ nhiều tài năng văn chương của mình hơn. Đó là dấu hiệu đáng mừng. 

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhiều ấn phẩm về Hà Nội được ấn hành

Kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, Công ty Nhã Nam đã ra mắt ấn bản mới của các tác phẩm văn học về Hà Nội như “Hà Nội cũ” (Doãn Kế Thiện), “Hà Nội lầm than” (Trọng Lang), “Phố phường Hà Nội xưa” (Hoàng Đạo Thúy). Trong dịp này, Nhã Nam cũng tổ chức trưng bày triển lãm “Những cuốn sách về Hà Nội” gồm 60 cuốn sách được xuất bản từ đầu thế kỷ 20 của nhà sưu tầm Nguyễn Thế Bách. Triển lãm vừa được khai mạc vào sáng 8-10 tại Nhà sách Nhã Nam, 107 B9 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội.