Lì xì đầu Xuân: Xin đừng biến trẻ con thành…người lớn!

ANTĐ - Lì xì là một nét đẹp truyền thống, khi người lớn mừng những đồng tiền “lấy may” kèm lời chúc ý nghĩa dành cho con trẻ. Thế nhưng, theo thời gian, nét đẹp này dần bị biến tướng thành một “trò chơi” vật chất, cuốn cả người lớn và con trẻ vào chuyện tính toán, so bì phong bao lì xì “nặng – nhẹ”.

Hầu như ông bố, bà mẹ nào cũng đặt nhiệm vụ giáo dục con cái lên trên đầu, với những lời dạy dỗ, chỉ bảo trong mọi việc hàng ngày. Nhưng lạ thay, vào dịp Tết đến Xuân về, khi trẻ nhỏ được tiếp xúc với những phong tục ý nghĩa truyền thống, thì không ít vị phụ huynh lại “hồn nhiên” truyền bá suy nghĩ nặng vật chất cho con mình, thông qua những phong bao lì xì có giá trị từ vài trăm nghìn đồng tới cả triệu bạc.

Cầm trên tay những phong bao “nặng đô” đó, nhiều em đã bắt đầu có suy nghĩ so sánh thiệt hơn, khi sau đó, các em được nhận lì xì từ người thân hay hàng xóm, với giá trị chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100 so với món tiền mà cha mẹ mừng tuổi.

Rồi kéo theo đó, những lời chúc dù tốt đẹp tới mấy cũng nhanh chóng bị cho vào lãng quên, nếu như phong bao lì xì có số tiền mừng tuổi khiêm tốn.

“Ôi, chỉ có mỗi thế này thôi á?” – Câu nói không hiếm gặp này của con trẻ khi mở một phong bao lì xì “nhẹ tiền” có bao giờ khiến những bậc làm cha, làm mẹ phải suy nghĩ hay không? Rất sẵn lòng mừng tuổi con trẻ bằng một số tiền lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại “kiệm lời” khi chẳng giảng giải hay chia sẻ với con về ý nghĩa của tục lì xì truyền thống, khiến những cái đầu non nớt chỉ biết… đếm tiền mừng.

Lời chúc tốt đẹp dành cho con trẻ đang bị đặt thấp hơn... giá trị phong bao lì xì?

Và tệ hơn nữa, khi không ít vị phụ huynh còn kém nhạy cảm tới mức đem chuyện lì xì qua lại ra bàn ngay trước mặt các em.

“Nhà ấy mừng tuổi mày bao nhiêu? Chỉ thế thôi á? Được rồi, biết thế để còn mừng lại!” hay “Bác ấy mừng nhiều thế cơ à? Thế thì được rồi, biết để còn mừng trả lễ!”

Rồi lì xì còn bị nhiều người đem vào kế hoạch “nịnh sếp” của mình, hoặc “thể hiện đẳng cấp gia đình”. Trẻ nhỏ thì không biết tới những điều đó, chúng chỉ rõ là được nhận một số tiền lớn, rất lớn, và nếu ai mừng ít tiền hơn thì tức là “không bằng chú ấy/bác ấy/cô ấy”. Từ lúc nào, “bài học” vật chất và so sánh thiệt hơn được ngấm nhanh tới vậy vào suy nghĩ của con trẻ?

Thậm chí, lối tư duy vật chất trong lì xì còn thể hiện rõ hơn trong môi trường các em học sinh cấp 2, cấp 3. Mặc dù chưa đi làm ra tiền, có những anh chàng “sĩ diện” vẫn nằng nặc nhờ bố mẹ đổi hộ tiền mới để… mừng tuổi bạn bè trong buổi học đầu năm, và ai mừng càng nhiều thì càng… “hot”.

Câu chuyện “mừng tuổi qua, mừng tuổi lại” chỉ kết thúc khi Tết qua đi, trẻ con vui sướng ngồi đếm tiền mừng tuổi xem ai “nhiều triệu” hơn ai, còn người lớn thì đau đầu nhẩm tính đã chi tiêu bao nhiêu cho việc lì xì đầu năm. Rõ ràng, chính người lớn đã tự khiến mình phải “mệt óc” với một nét đẹp truyền thống tưởng như hết sức giản đơn với dăm ba đồng lẻ kèm một cái xoa đầu chân thành và lời chúc ý nghĩa.

Trong dịp đầu Xuân này, bức tranh lì xì còn bị bôi một nét vẽ tối màu khi một tờ báo mạng đăng bài “ý kiến cá nhân” nói về chuyện chê bai, khích bác những ai mừng tuổi…ít tiền. Không bàn tới động cơ của việc đăng một nội dung gây tranh cãi như vậy, song hẳn nhiều người muốn giữ nét đẹp truyền thống sẽ cảm thấy buồn vì một chuyện tưởng như rất tế nhị lại bị diễn đạt hết sức thô thiển đến vậy. Lẽ dĩ nhiên, đứng trước sự phản ứng của dư luận hướng tới giá trị tích cực, bài viết đầy ngớ ngẩn “mang tiền ra đo lòng thành” đã bị rút xuống, song dư âm chắc vẫn còn làm không ít người phiền lòng.

Một phong bao lì xì có 5.000 đồng – 10.000 đồng, hay thay vì phong bao tiền là một cuốn sách nhỏ kèm lời chúc ý nghĩa đang là lựa chọn của những người lớn không muốn kéo con trẻ vào “cuộc chơi tiền nong” đầu Xuân.

Nếu ai cũng nghĩ như thế, thì làm sao người lớn phải đau đầu với việc chi tiêu lì xì, và trẻ con cũng chẳng phải “học” thói băn khoăn mừng ít, mừng nhiều.

Tiếc thay, không ít người lớn hiện nay vẫn đang muốn biến con trẻ… vụt lớn như mình, nhưng theo ngã rẽ đầy tiêu cực, thông qua việc trao những phong bao đầy vật chất vào dịp đầu Xuân!

Tin cùng chuyên mục