Lép vế, yếu thế

ANTĐ - Nếu so với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, các cụm công nghiệp trên cả nước có phần lép vế và yếu thế hơn nhiều. Trong khi các khu công nghiệp đã có hẳn Nghị định 29/CP của Chính phủ quy định đầy đủ quy chế hoạt động, cơ chế chính sách hỗ trợ, bộ máy quản lý, thì gần đây mới có Quy chế quản lý cụm công nghiệp nhưng cũng chỉ dành cho cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Cục phó Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), sự phát triển các cụm công nghiệp một cách tự phát trong thời gian qua là do quản lý nhà nước lỏng lẻo.

Có một thực tế là, nhiều địa phương mải mê “chạy đua” phát triển các khu công nghiệp hoành tráng nên chưa để mắt tới các cụm công nghiệp. Người ta quên rằng, nếu thiếu các cụm công nghiệp thì nền móng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ rất “chông chênh”, lấy đâu ra điểm tựa để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng mô hình nông thôn mới ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước lại càng không thể thiếu các cụm công nghiệp, tạo ra nhiều việc làm “giữ chân” lao động ở lại nông thôn, nâng cao từng bước thu nhập cho nông dân.

Mỗi địa phương có hàng chục, hàng trăm ngành nghề từ truyền thống đến cơ khí, chế tạo chế biến hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên không quy tụ, tập trung vào các cụm công nghiệp thì làm sao tạo nên thế mạnh đủ sức đứng vững và cạnh tranh? Cục phó Cục Công nghiệp địa phương cho biết, từ trước năm 2009, chưa hề có khung pháp lý nào quy định quản lý các khu công nghiệp.

Bởi thế, việc quy hoạch phát triển, thành lập và quản lý các cụm công nghiệp đều do địa phương tự thực hiện. Đương nhiên mỗi địa phương quản lý theo một kiểu. Nơi thì giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Có nơi lại giao cho ban quản lý khu công nghiệp quản luôn cho tiện. Cung cách quản lý tùy tiện như thế tất dẫn đến sự phân tán, không thể quản lý một cách thống nhất và bài bản. Tình trạng phân cấp theo dõi các doanh nghiệp sau khi đầu tư vào cụm công nghiệp còn chồng chéo giữa các sở, ngành, không thể quy về một đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm quản lý.

Từ tháng 8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 105 về Quy chế cụm công nghiệp, giao trách nhiệm toàn quyền quản lý cho Bộ Công Thương. Sau một năm thực hiện việc phân cấp quản lý các cụm công nghiệp đã được cụ thể, rõ ràng và tạo điều kiện cho các địa phương nâng cao quản lý, tạo sự đồng bộ thống nhất. Thế nhưng, bản thân địa phương lại lo ngại không đủ lực lượng để quản lý khi chức năng nhà nước được “giao khoán” cho các Sở Công Thương.

Nhìn bao quát, có thể nhận thấy, sở dĩ các cụm công nghiệp không thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là do cơ sở hạ tầng kể cả bên trong và bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp vừa thiếu, vừa yếu. Lại thêm các cụm thường được đặt ở những địa thế kém thuận lợi, giao thông bất tiện, thì làm sao đủ sức hấp dẫn các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Ở nhiều địa phương không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, song nếu đi tìm mặt bằng trong cụm công nghiệp thì họ phải bỏ ra vốn lớn để đầu tư hạ tầng, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, còn ai mặn mà.

Được biết năm 2010, Cục Công nghiệp địa phương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định về một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, nhưng đến thời điểm này dự thảo vẫn chưa được xem xét, thông qua. Không thể “thả nổi” mô hình cụm công nghiệp phát triển tự phát. Muốn phát triển bền vững và hiệu quả, tất nhiên càng không thể lép vế và yếu thế mãi.