“Lệnh” ông “cồng” bà

ANTĐ - Thời đại bình đẳng giới nên vai trò làm chủ trong gia đình cũng được cải thiện. Tuy nhiên việc “dân chủ” quá khiến gia đình nhiều khi rối ren như tàu hỏa hai đầu.

Một điều nhịn chín điều lành

Chị Nguyễn Thu Minh (phố Phan Đình Phùng, Hà Nội) là  chủ cửa hàng cà phê lớn, thu nhập gần 40 triệu đồng một tháng, còn chồng chỉ làm “mở cửa, trông xe” hàng ngày và làm “xe ôm” cho vợ. Tuy nhiên, đối với chị Minh, chồng vẫn là chủ gia đình.  “Mọi việc vẫn do chồng em chỉ huy thôi. Mình đứng tên nhà, tên đất. Tiền mình kiếm nhưng anh ấy bảo mua gì thì mình mua.  Nhiều lúc anh ấy còn lấy tiền chơi lô đề, rượu chè, nhưng về nhà vẫn lấy quyền la hét, đòi hỏi vợ con phải tuân theo, phải phục tùng. Mình tức nghẹn họng, con cái cũng mệt mỏi nhưng anh ấy là chủ gia đình, mình phải biết nhịn đi mới êm cửa, êm nhà - chị Minh tâm sự.

Gia đình anh Trần Hữu Anh (quận Đống Đa) thì lại khác. Anh làm Tổng giám đốc công ty xây dựng nhỏ, là người kiếm tiền chính trong gia đình, vợ anh là giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, anh giao tay hòm chìa khóa cho vợ, để vợ quyết định mọi việc thu chi trong gia đình. “Vợ tôi thực chất đúng là chủ gia đình. Vì tôi bận rộn đi làm, thời gian dành cho gia đình không nhiều. Còn vợ tôi chăm lo bố mẹ, các con, đối ngoại đối nội. Trừ cái xác nhà do tôi phụ trách xây, còn mọi nội thất cô ấy chọn, cô ấy quyết định cho tôi ăn gì, mặc gì. Đến cả việc gia đình đi chơi đâu cũng do vợ quyết định. Tiền đưa cho vợ thì vợ chi cho gia đình. Đi đâu mà thiệt” – anh Hữu Anh cười xòa. 

Theo điều tra về gia đình Việt Nam, ở khu vực thành thị tỷ lệ nam làm chủ hộ chiếm 74,34%, nữ làm chủ hộ chỉ chiếm 25,66%. Tuy nhiên, trong quan niệm về người làm chủ gia đình thì yếu tố “Gương mẫu, có trách nhiệm” lại được đặt lên trên hết (gần 89%), “Có khả năng đưa ra các quyết định” chiếm vị trí thứ 2 (hơn 76%), còn “Có thu nhập cao nhất trong gia đình” đứng vị trí thứ ba. Trong yêu cầu của xã hội mới, người chủ nhà đồng thời là người lãnh đạo công việc sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và người có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng đem lại khả năng phát triển của gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ năng động, tự chủ hơn về kinh tế, nhưng vẫn thích lùi xuống chiếu dưới để nhường chồng vị trí “cai quản gia đình”. 

Làm chủ cũng mệt

Trong khi nhiều chị bạn ấm ức vì không có quyền quyết định và tiếng nói riêng trong gia đình thì chị Lê Thúy An (Đông Anh) lại quá mệt mỏi vì “làm chủ”. Chị An là người hoạt bát, năng động, lại có nhiều thời gian. Vì thế, những việc trong nhà chị cáng đáng cả. Chị lo dạy con, mua đất, xây nhà, bố mẹ ốm đau chị đều lo đưa đi viện… Chồng chị chỉ giúp vài việc lặt vặt như lau nhà, đổ rác hoặc vợ sai gì thì làm. Anh rất thích tiêu chí: “Vợ làm gì cũng đúng!”. Sau dần thành quen, lúc chị vắng nhà, chồng chị đến việc đi chợ cũng phải gọi điện hỏi chị xem mua gì, mẹ ốm cũng gọi hỏi xem biếu bao nhiêu tiền. 

“Lúc đầu tôi cũng thấy thích khi được toàn quyền chăm sóc, thu vén cho gia đình mơ ước của mình. Nhưng sau thì tôi thấy nản. Chồng gì mà đóng cái đinh không xong, thay bóng đèn thì sợ điện giật. Khi tôi ốm, anh ấy dựng tôi dậy để hỏi xem vòi nước bị hỏng thì làm thế nào” – chị mệt mỏi. “Cồng bà” cũng có lúc mệt mỏi, yếu đuối. Một người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng vẫn thích cảm giác được nghỉ ngơi trên đôi vai vững chãi, mạnh mẽ của chồng. Việc đối mặt với ông chồng “vô tích sự” cũng khiến phụ nữ bực bội, ngột ngạt không kém khi bị “áp bức”.  

Gia đình tất nhiên cần một người cầm lái vững vàng, đưa ra những quyết định quan trọng. Tuy nhiên những ông chồng gia trưởng, độc đoán rất dễ gây “sóng ngầm” trong gia đình, khiến vợ cảm thấy bị coi thường, lệ thuộc. Nhưng những bà vợ được chồng giao phó hết quyền hành cũng sẽ chán nản. 

Ông Lê Ngọc Văn - Viện Gia đình và Giới cũng cho rằng: xã hội hiện đại sẽ làm xuất hiện nhiều gia đình mà người làm chủ thực sự là người đóng góp nhiều công sức cho gia đình, làm ra nhiều tiền của. Quan điểm này phản ánh khát vọng vươn tới sự công bằng, một sự phản ứng lại khuôn mẫu hình thức về người chủ gia đình. Không có lý do gì để duy trì một người lãnh đạo thiếu năng lực, không có khả năng chăm lo, nuôi sống các thành viên gia đình. 

Vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng thay đổi. Chị em tự chủ trong kinh tế và cũng tự tin đảm đương vai trò làm chủ gia đình, miễn là được sự đồng thuận của người chồng. Người chồng cũng đảm đương quá nhiều trách nhiệm cũng sẽ thấy mệt mỏi nên nhiều nam giới thực sự muốn chia sẻ vai trò người chủ gia đình với vợ, tùy từng việc cụ thể mà hai vợ chồng nhịp nhàng đổi chỗ cho nhau. Tuy nhiên, cho dù ai làm chủ thì việc tôn trọng ý kiến và cùng nhau bàn bạc sẽ giúp thắt chặt tình cảm vợ chồng, khiến vợ (chồng) không cảm thấy bị cô lập, bị coi thường.