Lệnh cấm vũ khí được gỡ bỏ, Iran vui mừng tuyên bố chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ của Liên Hiệp Quốc đối với Iran nhằm ngăn cấm nước này mua, bán vũ khí đã hết hạn vào ngày 18-10, theo kế hoạch trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với các cường quốc trên thế giới, bất chấp sự phản đối của Mỹ.


Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Iran chính thức hết hiệu lực ngày 18-10, mặc dù Iran không ít lần nhấn mạnh rằng sẽ không có kế hoạch “mua vũ khí tùy tiện”, nhưng về lý thuyết, Iran có quyền mua vũ khí để nâng cấp hệ thống vũ khí được trang bị từ trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và bán vũ khí sản xuất trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, với thực trạng nền kinh tế vẫn đang bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt trên diện rộng của Mỹ, việc giao dịch mua bán vũ khí là khó có thể xảy ra với các nước khác, nếu như Tehran và các đối tác không muốn bị Washington trả đũa tài chính.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif xem ngày 18-10 là 1 ngày trọng đại và cho rằng việc nước cộng hòa Hồi giáo này có thể hợp tác quốc phòng trở lại với các nước là chiến thắng của cơ chế đa phương, hòa bình và an ninh.

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran đã chính thức được gỡ bỏ từ ngày 18-10-2020

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran đã chính thức được gỡ bỏ từ ngày 18-10-2020

LHQ đã cấm Iran mua các hệ thống vũ khí lớn của nước ngoài vào năm 2010 trong bối cảnh căng thẳng về chương trình hạt nhân của nước này ngày càng leo thang, trước đó, 1 lệnh cấm vận nhắm vào việc xuất khẩu vũ khí của Iran cũng được LHQ thông qua.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận JCPOA với Nhóm P5+1, gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức. Theo đó, Iran thực hiện thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí 5 năm sau khi JCPOA được thông qua.

Năm 2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA tuy nhiên vẫn đơn phương áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đầu năm 2020, Mỹ đã nỗ lực vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, song tất cả các đề xuất do Washington đưa ra đều bị bác bỏ.

Năm 2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã từng đưa ra dự đoán rằng nếu lệnh cấm vận chấm dứt, Iran có thể sẽ cố gắng mua máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130 và xe tăng T-90 và có thể cả hệ thống tên lửa phòng không S-400 và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastian của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể bán vũ khí cho Iran.

Sở dĩ, những dự đoán này được đưa ra, là do từ lâu các quốc gia vùng Vịnh được Mỹ hậu thuẫn như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã vượt mặt Iran khi chi ra hàng tỷ đô la để mua các vũ khí tiên tiến hiện đại của Mỹ.

Đáp lại, trong thời gian lệnh cấm Tehran chuyển hướng sang phát triển tên lửa đạn đạo sản xuất trong nước, và nay, khi lệnh cấm bị dỡ bỏ, sẽ là cơ hội tốt để nước này hiện đại hóa vũ khí khí tài và gia tăng năng lực quân sự.

Ngày 18-10, cũng đánh dấu sự kết thúc thời hạn của lệnh cấm đi lại của LHQ đối với một số quân nhân Iran và các thành viên Vệ binh Cách mạng bán quân sự.